Tham gia công ước thuế tối thiểu toàn cầu sẽ xóa nhòa đi chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư của Việt Nam từ xưa đến nay dựa trên công cụ là chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, ưu đãi về thuế chỉ là một trong những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. Còn rất nhiều yếu tố khác tạo nên sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư của Việt Nam.
Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Lợi ích vẫn là căn bản
Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Theo đó, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%.
Qua rà soát của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng trong năm sau.
Trao đổi với PV Báo điện tử VOV, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, Việt Nam đã tham gia công ước thuế tối thiểu toàn cầu một cách tích cực. Đây là lợi ích quốc gia và nếu như Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các "nước mẹ" của chủ doanh nghiệp có quyền "đánh" mức thuế 15% tối thiểu, lập tức phần chênh lệch này sẽ chuyển về chính quốc của doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên, thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này sẽ có phần tác động đến môi trường kinh doanh, song mức độ tác động và tính hấp dẫn đầu tư không quá lớn. Mặt khác, Việt Nam lại có những nguồn lợi nhất định như: tăng nguồn thu cho ngân sách; giảm trốn lậu, chuyển giá…
“Xét về mặt lợi ích, có thể thấy rõ những mặt thuận lợi nhưng đi kèm cũng có mặt hại, nhưng lợi vẫn là căn bản lớn. Ngoài ra, những tác động ngược chiều gây bất lợi phải có biện pháp khắc phục phần nào dù không thể được triệt để. Chẳng hạn, có thể dùng tính hấp dẫn khác thông qua việc tạo lập các yếu tố môi trường đầu tư hấp dẫn để tiếp tục duy trì được tính hấp dẫn môi trường đầu tư đối với doanh nghiệp đã và tới đây dự kiến tham gia đầu tư vào Việt Nam”, ông Lâm phân tích.
Tham gia công ước thuế tối thiểu toàn cầu sẽ xóa nhòa đi chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư của Việt Nam từ xưa đến nay dựa trên công cụ là chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lâm, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là một trong những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.
“Còn rất nhiều yếu tố khác tạo nên sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư của Việt Nam. Chẳng hạn như: sự ổn định về hệ thống chính trị, các nền tảng về hạ tầng, yếu tố về chất lượng nguồn nhân lực, số lượng nguồn nhân lực, yếu tố về thể chế, chính sách môi trường, hành chính, pháp lý, an ninh… Tất cả các yếu tố này tổng hòa thành tính hấp dẫn môi trường đầu tư và thuế chỉ là một trong yếu tố đó”, ông Trần Văn Lâm khẳng định, đồng thời cho rằng, biện pháp thay thế rất nhiều như: tổng hòa các yếu tố tạo môi trường đầu tư và trên từng yếu tố đó cải thiện chất lượng hơn về điều kiện ổn định vĩ mô, hạ tầng từ đất đai, năng lượng, giao thông, logistics.
“Đặc biệt, cần chú trọng về chất lượng nguồn nhân lực, các yếu tố về thủ tục hành chính, môi trường xã hội…. và dùng giải pháp này để nâng chất lượng môi trường đầu tư thay vì tiếp tục dùng công cụ thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Không thu hút nhà đầu tư bằng công cụ thuế
Cùng quan điểm, TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi ích đầu tiên khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam sẽ thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu.
Mặt khác, việc áp dụng chính sách sẽ đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với xu thế chung của thế giới, trong khi vẫn giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu dẫn đến hạn chế khả năng thu hút vốn FDI của các tập đoàn, công ty đa quốc gia, song TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu để bảo đảm môi trường cạnh tranh giữa các quốc gia công bằng, minh bạch và quan trọng nhất là chống chuyển giá thì chúng ta vẫn cần áp dụng.
“Trên quan điểm không thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược bằng công cụ thuế, mà Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Khi đó, Việt Nam có môi trường đầu tư tốt nhất trong điều kiện tốt nhất, với thể chế chính trị ổn định, hệ sinh thái về nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng cơ sở hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông để giảm chi phí về logistics”, TS. Trần Hoàng Ngân cho hay.
Bên cạnh đó, ông Ngân cho rằng, cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hấp dẫn các nhà đầu tư.
“Thuế chỉ là một phần, nhà đầu tư rất quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính. Ở nước ngoài, họ có đội ngũ từ xa để lo thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài nhất là nhà đầu tư chiến lược. Họ không phải lo thủ tục qua các cơ quan để xin giấy phép. Do đó, cần có bộ phận đứng ra làm các thủ tục cho nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ ra chủ trương đầu tư”, TS. Trần Hoàng Ngân khuyến nghị.
Sẽ có quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu
Trước nhiều băn khoăn về bảo đảm môi trường đầu tư khi chưa có giải pháp ưu đãi phù hợp khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, tại Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, UBTVQH hội cho biết, ngày 15/11, Chính phủ báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có kiến nghị việc thành lập một quỹ để thực hiện các biện pháp hỗ trợ đầu tư.
Tuy nhiên, Quốc hội sẽ không ban hành một nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đầu tư, mà đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp. Theo đó, Quốc hội đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Theo VOV.VN