Khó tiếp cận chính sách
Có những địa phương chưa có dự án, kế hoạch liên kết nào theo Nghị định 98 được phê duyệt nghiệm thu. Nguyên nhân khiến địa phương gặp khó trong triển khai, hướng dẫn, còn HTX không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ, theo chia sẻ của các chủ thể, có đủ thứ vướng. Nghị định 98 chưa nêu rõ kinh phí hỗ trợ hạ tầng bằng nguồn đầu tư hay nguồn kinh phí sự nghiệp; HTX rất khó tìm kiếm và hợp tác được với các đơn vị tư vấn, nhất là đơn vị tư vấn có năng lực; không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất;…
Mới đây, vào tháng 7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP, về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, có đưa ra mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững và ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Nghị quyết nhằm triển khai cam kết của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: “Cam kết tham gia sáng kiến, giảm phát thải khí methan toàn cầu” và “Cam kết thực hiện tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Vì vậy, yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững trở nên rất quan trọng. Và phát triển nông nghiệp bền vững phải được triển khai trong cả chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, trong đó không thể thiếu vai trò của các HTX nông nghiệp.
Hàng loạt các chính sách được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Điển hình là Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII, ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; Quyết định số 1658 về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, với định hướng “phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh…; đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững”; …
Đánh giá về việc triển khai các chính sách trên, TS.Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển không đồng đều của HTX giữa các địa phương, vùng, miền dẫn đến việc HTX khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh như: chính sách đào tạo, các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh trong hoạt động của HTX; chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon...
Năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp dẫn đến khó áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải carbon thấp; khả năng chuyển đổi mô hình hoạt động kém linh hoạt.
Cần chính sách đặc thù
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, HTX cần chính sách đặc thù chứ không phải chính sách ưu tiên. HTX phải phát triển vùng nguyên liệu, mà câu chuyện này rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành. Trên thế giới, vai trò của HTX rất quan trọng. Tại Hà Lan, thành viên HTX gấp 3 lần dân số, một người tham gia làm thành viên nhiều HTX. Còn ở Hàn Quốc, mô hình HTX có nhiều thành viên, giáo viên của họ là thành viên HTX, phụ huynh học sinh là thành viên HTX. Các nước trên thế giới cũng có HTX giáo dục, y tế. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý.
TS.Vũ Mạnh Hùng cho rằng, để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các HTX nông nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các HTX. Các cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ HTX thực hiện tốt các chương trình, đề án về phát triển xanh, nhất là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”; “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX nông nghiệp. Cơ cấu lại nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo nguồn lực được tập trung đúng và đủ cho các chính sách tạo động lực để HTX nông nghiệp tự thân phát triển bền vững như chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ mới đối với HTX; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường; tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…
Tính liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp cần được thúc đẩy, với sự tham gia mạnh mẽ của thành phần khác như doanh nghiệp, ngân hàng và Nhà nước. Cần có những chính sách thiết thực hiệu quả, để hỗ trợ sự liên kết này thông qua ưu đãi về thương mại, tín dụng, khoa học công nghệ, bảo hiểm, đất đai hay hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn, Hà Nội kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách thực chất hỗ trợ cho các HTX: “Thực tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các HTX, nhưng xuống địa phương và HTX với nông dân đã “rơi rớt”. Cần có cơ chế phát triển nguồn nhân lực cho các HTX, nếu thiếu nguồn nhân lực thì HTX sẽ không phát triển được, nguồn nhân lực quyết định sự thành bại đi lên của HTX. Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam cần tạo cuộc vận động sâu rộng nhằm thay đổi nhận thức cho khu vực HTX về phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh và hỗ trợ cho các HTX tiếp cận các quỹ phát triển công nghệ, khuyến nông, tín dụng…"
Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên; bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá. Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nghị quyết số 09 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW
“Chỉ có HTX phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp của Việt Nam vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi ấy, thu nhập của người nông dân tăng lên nhiều lần, nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung”.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam
“Theo khảo sát của hệ thống Liên minh HTX thì chỉ có khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương; 0,5% số HTX tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng, riêng các HTX nông nghiệp, tỷ lệ này còn thấp. BacABank nhận thấy việc tiếp cận vốn của các HTX, liên hiệp HTX và các thành viên chưa tương xứng với quy mô và vai trò, đóng góp của HTX đối với nền kinh tế Việt Nam”.
Ông Trần Khánh, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Bắc Á
|