Trăn trở về vùng chăn nuôi con đặc sản

Thành công với nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và nhân giống bảo tồn động vật nơi đất khách, anh Lê Văn Lâm ở xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá luôn luôn ấp ủ mong muốn xây dựng vùng chăn nuôi con đặc sản trên mảnh đất quê hương.

 

Giải quyết rào cản nhờ thành lập HTX

Sinh ra trong gia đình có nghề nuôi dúi từ lâu đời, bố là ông Lê Trọng Lệ - một trong những người tiên phong của cả nước trong việc nuôi con dúi từ những năm 2008, Lê Văn Lâm thừa hưởng thế mạnh về kỹ thuật chăn nuôi. Tốt nghiệp Đại học Đại học Công nghệ giao thông vận tải Cơ sở Thái Nguyên, bôn ba theo nghề đã học nhưng mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống nên Lê Văn Lâm đã quyết định phát triển nghề truyền thống của gia đình.

Nhận thấy đất đai tại Thái Nguyên rộng rãi, khí hậu mát mẻ, phù hợp, Lâm thuê 2.000 m2 đất của bà con đang chăn nuôi gà nhưng không đạt được hiệu quả và về quê mang giống của gia đình lên để nuôi. Có sẵn nền tảng nên Lâm nuôi đến đâu được đến đó. Tuy nhiên, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ rất khó phát triển, do không thể ứng dụng khoa học công nghệ và khó khăn trong việc cạnh tranh về giá nên Lâm đã cùng với các mô hình khác liên kết lại thành lập HTX.

Anh Lâm chia sẻ: “Mấy anh em chăn nuôi trong vùng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, bán hàng và cùng nhau nhận ra là mô hình trang trại nông hộ nhỏ với vài trăm con để có được thu nhập cao rất khó. Thế là chúng tôi người đầu tư đất, người góp vốn để thành lập HTX chăn nuôi và nhân giống bảo tồn động vật vào đầu năm 2020. HTX có địa chỉ tại xóm Bình Long, xã Võ Tranh, huyện Vũ Lương, tỉnh Thái Nguyên”.

“Trước khi thành lập HTX rất khó bán hàng. Mặc dù sản phẩm mình sản xuất ra tốt nhưng vẫn không nhận được sự tin tưởng từ khách hàng. Nhưng từ khi thành lập HTX có pháp nhân, con dấu và trụ sở giao dịch rõ ràng mọi rào cản đó được giải quyết. Khách hàng tin yêu, bà con cũng yên tâm ký hợp đồng bao tiêu. Cùng với đó sản phẩm bán được giá cao do mình chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá thị trường. Cùng làm, cùng bán sẽ dễ hơn”.

                                                                                                                                           Anh Lê Văn Lâm, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá

Hiện HTX gồm 8 thành viên, mô hình được xây dựng trên diện tích 1,5 ha, đang chăn nuôi khoảng 1.000 dúi, 200 cầy vòi mốc, 100 cầy hương, 200 con hon, tạo điều kiện cho 20 người trong các hộ gia đình có công ăn việc làm và 06 lao động làm việc thường xuyên với mức lương từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. HTX còn đảm bảo đầu ra cho vật nuôi và ký hợp đồng liên kết bao tiêu cho khách hàng ngoài HTX. Doanh thu hằng năm của HTX khoảng 5 tỷ đồng/năm, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương giàu mạnh.

Ngoài HTX tại Thái Nguyên, anh Lâm còn cùng em trai còn thành lập và xây dựng thành công mô hình ở xã Hoà Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc. Mặc dù vậy, nhưng anh Lâm vẫn canh cánh, với kinh nghiệp hơn 13 năm chăn nuôi, anh đã từng hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật kết hợp tập huấn và bán con giống cho người nghèo ở nhiều huyện, nhiều tỉnh khác, nhưng chưa có cơ hội để giúp được người địa phương nuôi dúi. Anh muốn thành lập HTX, xây nên một vùng nuôi con đặc sản tại quê hương, giúp bà con nơi mình sinh ra chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống.

Cần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, đất đai

Mục đích của dự án là chăn nuôi dúi công nghệ cao khép kín, góp phần cải thiện kinh tế địa phương, tạo điểm tham quan bảo tồn chuyền tải thông tin bảo vệ động vật hoang dã, dự án đã tạo công ăn việc làm cho 50 lao động. Loại dúi ở đây được nuôi là dúi má đào Thái Lan có trọng lượng từ 4 đến 6kg. Nuôi trong môi trường tuần hoàn, bao gồm 3000 m2 chuồng trại chia làm các phòng nhỏ có diện tích 50 mét vuông một phòng, lắp điều hòa hai chiều ủ ấm vào mùa đông và làm mát vào mùa hè, dùng điện 3 pha kết hợp với điện năng lượng mặt trời để giảm ô nhiễm môi trường.

Tất cả được nuôi trong môi trường khép kín có máy lọc khử mùi hôi của chuồng và có điều hoà để điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm không khí tốt nhất. Hoạt động theo mô hình tuần hoàn, chuỗi thức ăn tự cung tự cấp của các thành viên trong HTX được phân công nhiệm vụ rõ ràng gồm: Nhóm lãnh đạo chăm lo đầu ra, giới thiệu sản phẩm, cung cấp kỹ thuật và chăm lo cho khách hàng (hiện nay đã có tệp khách hàng và kinh nghiệm 13 năm hoạt động); Nhóm kỹ thuật chăn nuôi, bao gồm các thành viên chủ chốt hướng dẫn kỹ thuật, ghép giống, theo dõi bệnh tật; Nhóm tăng gia sản xuất thức ăn bao gồm, nuôi cá, trồng ngô, trồng sắn, trồng lúa, cỏ voi…; Nhóm chăn nuôi có nhiệm vụ: ép cám viên, phối trộn thức ăn, cho ăn và theo dõi sức khoẻ. Tất cả phân thải ra được ủ lên men để phục vụ bón phâm quay vòng cho ngô, lúa, cỏ voi…..

Để làm được điều này theo anh Lâm cần có diện tích đất khoảng 2ha cách xa khu dân cư. Hiện nay tại địa phương đất trồng lúa bỏ hoang rất nhiều. Anh đã nhận được sự đồng thuận của hơn 10 gia đình với lực lượng lao động trình độ văn hoá cao và khoảng 50 người đang trong độ tuổi lao động công ăn việc làm bấp bênh, lúc có việc, lúc không có việc, mong muốn được chuyển sang nuôi dúi. Họ có quỹ đất nông nghiệp và mong muốn chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tạo điều kiện cấp đất lâu dài và có cơ chế quy hoạch vùng nuôi dúi lâu dài cho các hộ trong xã, đưa vào quy hoạch diện tích đất này thành đất trang trại chăn nuôi con đặc sản. Cùng với đó là hỗ trợ về vốn để quây bao trong trại, làm chuồng trại, mắc điện 3 pha, lắp năng lượng mặt trời và khoan giếng nước công nghiệp.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận