Nhiều start-up công nghệ thu hút được nguồn tài chính xanh

Với ý tưởng xanh, dự án công nghệ có triển vọng thương mại hóa nhiều start-up ở TP.HCM đã thành công gọi vốn ngay từ vòng ý tưởng.

 

Điều này giúp doanh nghiệp khởi nghiệp hiện thực hóa những dự án xanh, phát triển doanh nghiệp và đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Từ ý tưởng xanh đến dự án khả thi

Với ý tưởng tích trữ nguồn năng lượng từ mặt trời, gió…để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, anh Hồ Việt Hải và 2 người bạn của mình đã lập ra Công ty Alternō, khởi nghiệp với công nghệ lưu trữ năng lượng mới là pin cát.

Từ đầu năm 2023, các thực nghiệm pin cát được công ty thực hiện. Theo anh Hồ Việt Hải, pin cát có thể kết nối với nhiều nguồn năng lượng khác nhau, lưu trữ được trong nhiều tháng liền và sản xuất thuận lợi vì nguyên liệu cát dồi dào, thân thiện với môi trường. Pin cát đã được thương mại hóa, sẽ phục vụ sưởi ấm, làm mát hoặc phơi sấy trà, lúa, cà phê…

Nhờ sự nghiên cứu chỉnh chu, kỹ càng ngay từ đầu nên từ lúc đưa ra ý tưởng, xác thực ý tưởng đến lúc ra thành phẩm, cả nhóm chỉ mất khoảng 6 tháng và gọi vốn được từ Quỹ đầu tư Antler. Sau đó, pin cát Alternō còn được sự tài trợ không đòi hỏi cổ phần của Tập đoàn Wacom (một tập đoàn công nghệ đến từ Nhật Bản) để pin cát Alternō hoàn chỉnh bằng sáng chế đầu tiên. Sản phẩm này còn được sự tài trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA để đẩy mạnh sản xuất pin cát, cung cấp nước ấm, nhiệt sưởi phục vụ người dân khu vực phía Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam.

Anh Hải cho biết thêm, công ty đang mong muốn bằng sản phẩm pin cát sẽ tham gia vào chuyển đổi xanh ở Cần Giờ, TP.HCM: “Có kế hoạch gần như toàn bộ các tòa nhà hành chính công ở Cần Giờ đều được trang bị pin năng lượng mặt trời… Nếu Alternō được phép tham gia cùng thì mỗi tòa nhà sẽ có một hệ thống pin cát để cung cấp nước nóng cho văn phòng, trạm xá và trường học… để cải thiện tốt hơn đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây”.

Công ty Buyo được thành lập năm 2022 trong thời điểm thế giới đang đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với các sản phẩm tiêu dùng thân thiện môi trường. Vì vậy, nhựa sinh học- sản phẩm chủ lực của Buyo là vật liệu có tính năng dễ dàng phân hủy thành CO2, nước, sinh khối, có lợi thế vượt trội so với các sản phẩm nhựa truyền thống. Dự án nhựa sinh học của Buyo đã xuất sắc vượt qua nhiều start-up, đạt giải cao tại nhiều cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn, thuận lợi gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Chị Đỗ Hồng Hạnh, nhà sáng lập Buyo cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, yếu tố giá được quan tâm nhiều hơn, trong khi giá nhựa sinh học cao hơn nhựa thông thường. Đây cũng là rào cản nên Buyo đang nghiên cứu cải tiến sản xuất, kéo giảm giá thành. Công ty tin tưởng sẽ phát triển trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM.

“TP.HCM là trung tâm đầu tầu kinh tế của cả nước, nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp rất sôi động, Trong thời gian tới chúng tôi cũng hi vọng lãnh đạo TP sẽ có những chính sách đột phá để khuyến khích những doanh nghiệp kinh tế tuần hòan, kinh tế xanh đang đặt tại TP như Buyo có điều kiện phát triển mở rộng” - chị Đỗ Hồng Hạnh nói.

Điểm đặc biệt là pin cát Alternō lưu trữ được lâu, nguyên liệu sản xuất thuận lợi, thân thiện với môi trường (Ảnh: H.H)Lợi thế thu hút nguồn tài chính xanh

Tại Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ưu tiên chảy vào các lĩnh vực kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong hai năm trở lại đây, hàng chục start-up xanh đã nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Antler.

Qua 4 chương trình hỗ trợ start-up tổ chức ở Việt Nam từ năm 2021, Quỹ Antler đã đầu tư với tổng số tiền khoảng hơn 3 triệu USD. Nguồn đầu tư này đã giúp 31 công ty khởi nghiệp thành công, trong đó có Buyo- doanh nghiệp cung cấp các giải pháp nhựa sinh học có thể phân huỷ sinh học, Alternō- cung cấp các giải pháp lưu trữ năng lượng nhiệt chi phí thấp cho khu vực châu Á.

Thay vì tập trung đầu tư vào các công ty đang hoạt động, thì Quỹ đầu tư mạo hiểm Antler tại Việt Nam đã thúc đẩy các nhà khởi nghiệp Việt Nam bằng những khoản đầu tư và giúp start-up tăng tốc khởi nghiệp. Ông Erik Jonsson, Đối tác điều hành Antler tại Việt Nam cho biết, Quỹ trao quyền cho những người khởi nghiệp từ giai đoạn ý tưởng bằng cách kết nối họ với những người có tiềm năng sẽ trở thành những nhà đồng sáng lập, cung cấp nguồn tài trợ tiền, xác thực các ý tưởng khởi nghiệp và tạo điều kiện cho các nhà khởi nghiệp tiếp cận mạng lưới toàn cầu.

“Hiện Antler đã đầu tư, hỗ trợ hơn 70 công ty khởi nghiệp và qua đó cũng gặp hơn 300 nhà sáng lập… Mỗi chương trình mình chỉ đầu tư khoảng 7 đến 10 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp hiện nay có khoản 3 đến 4 nhà sáng lập. Antler hiện là quỹ duy nhất đầu tư vào giai đoạn ý tưởng thôi, chính vì vậy nếu không có khát khao cống hiến, thì Antler sẽ không đầu tư” - ông Erik Jonsson nói.

Những ý tưởng khởi nghiệp bằng công nghệ xanh ra đời đúng thời điểm Việt Nam, trong đó có TP.HCM cam kết thúc đẩy giảm phát thải nên thu hút được vốn đầu tư và ra sản phẩm thì được thị trường đón nhận.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận