Theo ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến Luật Đường bộ sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2024, trong đó sẽ quy định lộ trình chuyển đổi sang giai đoạn 2, giai đoạn 3 thu phí không dừng.
“Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ thí điểm thu phí trên đường cao tốc theo mô hình đầu vào tự do, đầu ra có barie kiểm soát; cũng như xây dựng phương án để triển khai rộng trên toàn quốc.
Hiện nay chúng tôi đang đưa vào chương trình xây dựng Luật Đường bộ, sau khi Luật này được thông qua, cộng với các nghị định hướng dẫn thì cũng là điều kiện để cho phép triển khai các giai đoạn tiếp theo. Khi Luật Đường bộ có hiệu lực thì sẽ dự kiến năm 2025, trả sau và bỏ barie sẽ gần như được triển khai đồng thời", ông Tô Nam Toàn cho biết.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 4,6 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí không dừng, đạt trên 90% tổng số phương tiện trên cả nước. Số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí không dừng chiếm tới 90% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc.
Từ ngày 1/8/2022 tất cả tuyến cao tốc trên toàn quốc triển khai dịch vụ thu phí không dừng (ETC). Việc đưa hệ thống ETC vào sử dụng giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Sau hơn 1 năm triển khai thu phí không dừng vẫn có nhiều thời điểm xảy ra trục trặc kỹ thuật. Song, nhìn chung, hệ thống ETC đã được vận hành khá trơn tru dần dần khắc phục được các sự cố kỹ thuật.
Mặt khác, chỉ sau một thời gian ngắn tỉ lệ phương tiện dán thẻ ETC đã tăng nhanh chóng. Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tới nay đã có khoảng 96% phương tiện đã hoàn thành việc dán thẻ ETC.
Có thể thấy rằng, tiện ích mà dịch vụ ETC mang lại hiệu quả hơn so với phương thức thủ công trước đây, tình trạng ùn tắc tại trạm thu thu phí cũng đã giảm.
Theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, thu phí không dừng có 4 giai đoạn: Trong đó khi số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đạt trên 90% có thể chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 là vẫn còn barie nhưng khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm. Giai đoạn 3 là bỏ barie và giai đoạn 4 là bỏ barie và bỏ trạm thu phí, chỉ có các thiết bị ETC treo trên giá long môn để xe qua tự do. Với việc đã có khoảng 96% phương tiện hoàn thành dán thẻ ETC thì dự án thu phí không dừng gần như đã đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn 2.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong 4 giai đoạn trên, việc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 là khó khăn nhất, cần có hành lang pháp lý chuẩn. Do vậy, Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ETC cần được nâng lên thành nghị định để có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Được biết, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là tuyến đầu tiên cả nước áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn. Xe không phải dừng khi thu phí giúp tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và tiết kiệm nhiên liệu. Dự kiến đến ngày 30/12, toàn bộ hệ thống ETC trên tuyến sẽ hoàn thành.
Trước đó, cao tốc được thiết kế 4 trạm thu phí, mỗi trạm có hai làn lối ra và hai lối vào. Trong mỗi lối ra vào sẽ gồm 1 làn ETC và 1 làn hỗn hợp, gồm ETC và MTC (thu phí một dừng).
Sau khi điều chỉnh, lối vào trạm của tuyến được bố trí 1 làn ETC và làn dừng khẩn cấp, không có barie và cabin thu phí. Thiết bị camera gắn trên giá long môn sẽ tự động quét và đọc thẻ ETC dán trên ô tô qua trạm để trừ tiền. Ở lối ra được điều chỉnh 2 làn ETC và 1 cabin thu phí, 1 barie tự động. Xe đi qua khu vực barie với tốc độ 60km/h, thay vì 40 km/h như trước.
Các trạm thu phí gồm nhiều linh kiện và thiết bị không có sẵn trên thị trường mà phải đặt hàng như: Giá long môn, camera, biển báo, đèn...
Quách Đồng - Lê Tùng/VOVgiaothong.vn