Số vụ lừa đảo tăng nhanh, gây nhiều khó khăn và tốn kém
Năm 2022, 100 container hạt điều trị giá 20 triệu USD và mới đây, lô hàng 5 container hồ tiêu, quế, hoa hồi, điều,… xuất khẩu sang UAE, trị giá 516.761 USD cũng bị lừa đảo. Nhờ những nỗ lực hết mình và hỗ trợ tích cực của các bên liên quan ở Việt Nam và Italy, vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, đã được xử lý thành công. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tránh được rủi ro lớn mất tất cả hàng hóa, giảm tối đa thiệt hại về kinh tế. Song, dù DN đã lấy lại được hàng nhưng vẫn còn “treo” lại hàng trăm tỷ đồng tiền cọc ở các hãng tàu với thời hạn 18 tháng - 6 năm. Điều này gây nhiều thiệt hại tài chính và khó khăn cho DN. Theo đại diện của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) 1 container điều có giá trị khoảng 4 tỷ đồng, tiền cọc/bảo lãnh 125%-150% giá trị lô hàng thì DN ít nhất phải chi khoảng 5 tỷ đồng/container, với hàng chục container thì số tiền cọc lên đến hàng trăm triệu tỷ đồng.
Mặc dù những vụ lừa đảo thương mại quốc tế đều được lấy lại thành công nhưng tổn thất đối với DN Việt không hề nhỏ khi phải trả chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa, phí thuê luật sư, cước tàu vận chuyển từ nơi nhập khẩu đi các nơi… hay tình trạng bị “treo” lại tiền cọc ở các hãng tàu.
Có thể nói, vụ 100 container hạt điều trị giá hàng chục triệu USD xuất khẩu sang Italia và lô hàng 5 container hồ tiêu, quế, hoa hồi, điều,… xuất khẩu sang UAE suýt bị lừa là hồi chuông cảnh báo cho DN xuất khẩu Việt Nam. Bởi, lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, nhất là khi Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Theo đại diện Bộ Công Thương, tình trạng lừa đảo này không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, Châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, Châu Âu (Hà Lan, Italia, Na Uy...).
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, lừa đảo trong thương mại quốc tế là vấn đề tương đối nổi cộm hiện nay với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi. Theo ghi nhận trong năm 2022, các DN toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.
Khảo sát của PricewaterhouseCoopers cho hay, 52% DN Việt Nam tham gia khảo sát nói rằng, họ đã từng trải nghiệm lừa đảo thương mại quốc tế hoặc tội phạm kinh tế khác.
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada là bà Trần Thu Quỳnh cho biết, các vụ lừa đảo thương mại thường có quy mô nhỏ nhưng mật độ tăng rất nhanh, nếu như trước đây mỗi tháng chỉ có 03 vụ/tháng thì hiện nay trung bình mỗi tháng Thương vụ tiếp nhận khoảng 10 vụ việc.
Còn Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Italia là bà Dương Phương Thảo cũng nhận xét, tại Italia, tình trạng lừa đảo thương mại diễn ra dưới nhiều hình thức, xảy ra cả với DN nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Khi gian lận lừa đảo xảy ra, kể cả có sự hỗ trợ của các Thương vụ, cơ quan quản lý nhà nước và các luật sư, việc khắc phục vẫn rất khó khăn và gây nhiều tốn kém đối với DN.
Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các DN Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn. Thực tế, không ít DN xuất khẩu đã phải đối diện với tình trạng bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa trong các giao dịch thương mại quốc tế. Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, khi ra biển lớn, đồng nghĩa các DN Việt sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Cẩn trọng và chủ động phòng tránh
Ông Nguyễn Duy Hưng, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập chỉ ra, qua các vụ việc tranh chấp thương mại giữa DN Việt Nam với DN Ai Cập trong thời gian qua, có thể chia làm hai dạng sau: Tranh chấp thương mại có phần yếu tố khách quan tại thị trường. Đây là tranh chấp khá phổ biến trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến vấn đề chậm thanh toán của các ngân hàng do thiếu ngoại tệ. Đa phần DN xuất khẩu không có nhiều lựa chọn khi hàng cập cảng nhưng bên mua không thể thanh toán tiền hàng theo hợp đồng cũng như không có được bất kỳ cam kết nào của ngân hàng về thời hạn thanh toán. Hàng hóa khi đó phải nằm chờ tại cảng dài ngày, phát sinh chi phí lưu kho bãi, chất lượng hàng hóa xuống cấp chưa kể đến giá cả thay đổi trên thị trường dẫn đến tranh chấp về chia sẻ thiệt hại. Nhiều trường hợp DN xuất khẩu phải chấp nhận giao hàng trước (nếu không muốn kéo hàng về hoặc bị hải quan phát mãi do quá thời hạn cho phép) và chuyển sang hình thức thanh toán trả chậm nhằm giảm thiểu tổn thất với hy vọng sẽ được thanh toán đúng hạn.
Dạng thứ 2 là tranh chấp thương mại có dấu hiệu gian lận, lừa đảo. Tranh chấp này thường liên quan đến hợp đồng ký qua môi giới khi DN xuất khẩu không liên lạc trực tiếp với nhà nhập khẩu và mọi thông tin trao đổi đều phải qua người môi giới. Đã có trường hợp người môi giới giả danh thư của bên nhập khẩu gửi cho DN Việt Nam đề nghị chuyển các lô hàng sớm dẫn đến bên nhập khẩu không đồng ý nhận hàng do sai so với tiến độ giao hàng theo hợp đồng, buộc DN Việt Nam phải giảm giá gây thiệt hại không nhỏ. Trong khi hợp đồng ký với người môi giới không chặt chẽ, không có ràng buộc trách nhiệm về mặt thu hồi đủ tiền hàng nên tranh chấp phát sinh và bên xuất khẩu luôn phải gánh chịu phần thiệt hại. Ngoài ra bên nhập khẩu còn có thể lấy lý do khó khăn, kinh doanh thua lỗ để yêu cầu nhận hàng trước và thanh toán tiền hàng sau thành nhiều đợt, tuy nhiên sau đó liên tục trễ hẹn và cuối cùng gây sức ép đòi giảm giá hoặc không thanh toán tiền hàng đợt cuối.
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha là ông Vũ Chiến Thắng tổng kết một số yếu tố có thể cấu thành rủi ro khiến DN Việt bị lừa đảo. Ðó là cạnh tranh trong bán hàng ngày càng nhiều làm DN Việt thường “nóng vội”, dẫn đến đàm phán và đưa ra các điều khoản không có lợi, “bị hớ” trong hợp đồng ngoại thương liên quan đến phương thức thanh toán, % đặt cọc hoặc điều kiện giao hàng.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương:
Đa số là các DN Việt Nam quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Rất nhiều DN chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp.
|
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình giao dịch thương mại quốc tế, Chánh văn phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) Cao Xuân Thanh cho hay, khó nhất của DN ngành gỗ trong hoạt động ngoại thương là việc xác minh đối tác. Ðơn cử, thị trường cung cấp gỗ tròn chủ yếu cho Việt Nam hiện nay là các quốc gia châu Phi nhưng các DN sở tại thường thiếu thông tin minh bạch, trong khi việc thuê bên thứ 3 hoặc cử người sang tận nơi để làm việc trực tiếp rất tốn kém, ít DN làm được.
Trước việc gia tăng các vụ gian lận thương mại, đại diện các Thương vụ cảnh báo và khuyến cáo DN xuất khẩu cần chú ý một số vấn đề như xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng về điều kiện giao nhận hàng, hình thức thanh toán và bổ sung điều khoản xử lý các phát sinh như trường hợp hàng hóa phải lưu tại cảng dài ngày do vấn đề chậm thanh toán từ phía đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro khi thực hiện hợp đồng; Hạn chế việc ký hợp đồng thông qua môi giới. Trường hợp ký hợp đồng với bên môi giới, cần làm rõ trách nhiệm của môi giới trong việc thu hồi đủ tiền hàng (nếu có) hoặc các điều kiện để thanh toán tiền hoa hồng. Các hợp đồng cần có điều khoản thanh toán trước ít nhất 30% giá trị theo thông lệ tại địa bàn. Khi có bất cứ yêu cầu thay đổi từ nhà nhập khẩu, DN cần kiểm tra, xác thực lại thông tin người gửi và yêu cầu đối tác gửi văn bản chính thức để có cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp.