Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 11/12, tại Hà Nội là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, các địa phương và cộng đồng DN thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu dùng hàng Việt. Từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng hàng Việt, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn trong siêu thị
Khẳng định thế mạnh bền vững của hàng Việt Nam, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam ngày càng có thế mạnh, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối, từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.
Cụ thể, trong hệ thống siêu thị của một số DN trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80-90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%). Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài cũng có nhiều nỗ lực trong việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền và giữ tỷ lệ hàng Việt Nam cao trong kênh phân phối của mình.
“Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đã ghi dấu ấn, liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam vào trong nhóm 23 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam đã đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ tiêu thụ cho sản xuất trong nước”, bà Nga thông tin.
Tại diễn đàn, các ý kiến tập trung trao đổi giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam trong tình hình mới. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu dệt may luôn đạt kim ngạch cao, riêng năm 2023 đạt hơn 40 tỷ USD. Hàng Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn chinh phục cả người tiêu dùng nước ngoài.
"Nếu tới các nước phát triển trên thế giới, trên các kệ hàng của họ có rất nhiều sản phẩm “Made in Việt Nam” là điều rất đáng tự hào”, ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) dẫn chứng, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững thị trường nội địa, các DN Việt trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình kinh doanh để sản phẩm được tiếp cận nhiều nhất tới người tiêu dùng.
“Chỉ riêng trong năm 2023 đã có 519 DN đạt Chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do người tiêu dùng bình chọn. Cả nước hiện nay có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.881 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên... Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên sử dụng những sản phẩm nội địa chất lượng cao”, bà Thủy đánh giá.
Kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới
Nhận thấy xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng được quan tâm, đặc biệt là giành cho người cao tuổi. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng dùng áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) được dự đoán sẽ thu hút mạnh người tiêu dùng bởi sự mới mẻ, hấp dẫn và đầy thách thức, song đây cũng sẽ là cơ hội cho các DN Việt.
“Để làm chủ được sân chơi của chính mình, từ đó thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam bền vững, các DN cần không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt, từ đó có xây dựng được những kế hoạch - chiến lược hiệu quả. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị”, bà Thủy khuyến nghị.
Theo bà Lê Việt Nga, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đồng thười, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước cũng như đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN