Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua luôn phát triển theo hướng rất tích cực, đạt được nhiều thành quả ấn tượng. Ngoài tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Kim ngạch thương mại tăng vượt bậc
Sau 15 năm Việt Nam – Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kim ngạch thương mại của hai nước không ngừng tăng trưởng. Nếu như năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt 20,8 tỷ USD, đến năm 2022, con số này đạt trên 175,5 tỷ USD (tăng hơn 8 lần), trong đó tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nhập siêu được thu hẹp.
Trung Quốc đứng thứ 2 trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng năm 2023) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm. Kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục tăng.
Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thị trường. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2018 chiếm 27,6%, đến năm 2020 và 2021 đã tăng lên mức 32% và 33,1%, năm 2022 giảm nhẹ về mức 32,8%, nhưng 10 tháng năm 2023 đã tăng lên, đạt 33,5%.
Theo số liệu thống kê mới nhất, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng năm 2023. Nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, nên Trung Quốc chủ yếu ở vị thế xuất siêu lớn với Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên VOV tại Bắc Kinh, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, kim ngạch thương mại của Việt Nam – Trung Quốc không ngừng đạt tăng trưởng. Hai bên tăng cường mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của nhau.
Điểm đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp Trung Quốc
Ông Nông Đức Lai cũng cho hay, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam đã có những tăng trưởng vượt bậc. Sau gần 15 năm, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đã tăng gần 10 bậc, hiện nay Trung Quốc đứng thứ 6 trong hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là đối với các dự án quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, mang lại lợi ích kinh tế và dân sinh.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đến cuối tháng 11/2023 có 4.203 dự án còn hiệu lực, với 27.224 triệu USD, đứng thứ 3 về số dự án và thứ 6 về số vốn đăng ký.
Riêng từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 11 có 632 dự án, với lượng vốn 3.806,5 triệu USD, đứng thứ nhất về số dự án, thứ 2 về lượng vốn đăng ký. Lượng vốn đăng ký bình quân 1 dự án đạt khoảng 6,5 triệu USD.
Tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhất là hợp tác kinh tế và thương mại khu vực biên giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ lớn, và đây cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho ngành sản xuất của Việt Nam để xuất khẩu. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và kịp thời kiến nghị chủ trương, giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém liên quan.
Các địa phương cần tập trung rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh hướng tới đồng bộ hóa, nhất là vấn đề giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong vùng theo Quy hoạch vùng. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch và ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại, khu vực biên giới như các chợ, các trung tâm logictics, kho bãi…
Đã đến lúc phải "đoạn tuyệt" với hình thức sản xuất và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, cần phải xuất chính ngạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, đồng thời đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.
PV/VOV.VN (tổng hợp)