Phát triển điện khí: Cần những giải pháp đồng bộ

  • 14/12/2023 10:10:23
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Phát triển điện khí là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Song, việc phát triển điện khí tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, thống nhất và phù hợp...

 

Điện khí là xu hướng tất yếu

Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất lắp đặt hiện nay. Trong đó, điện khí trong nước đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện 150.489 MW, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia. Với quy hoạch này, việc bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là thách thức lớn. Bởi việc phát triển nguồn điện của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh: Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

Vì vậy, việc sử dụng điện khí là xu hướng tất yếu để bù đắp cho nguồn năng bị thiếu hụt trong tương lai, đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia. Phát triển mạnh điện khí sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.

Điện khí. Ảnh minh họa. Nguồn Bộ Công Thương

Đánh giá về tiềm năng, thuận lợi để phát triển điện khí ở Việt Nam tại Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam”, do Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức, TS.Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, điện khí là nguồn điện ổn định duy nhất không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Ưu điểm của điện khí là đảm bảo cấp điện ổn định và giảm thiểu tác động tới môi trường. Nhiệt điện khí với khả năng chạy phủ đỉnh sẽ là nguồn công suất cần thiết để bổ trợ cho các nguồn điện tái tạo không ổn định. Điện khí LNG có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời…

Với mong muốn tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sáng 14/12, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam”.

“Việt Nam có nguồn khí tự nhiên khá lớn và có đủ năng lực tài chính và làm chủ công nghệ điện  khí. Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia”, TS.Nguyễn Minh Phong khẳng định.

TS.Nguyễn Minh Phong:

Việt Nam cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chuỗi dự án khí điện Lô B, Cá Voi Xanh, trong đó đầu tư xây dựng 6.900 MW các nhà máy nhiệt điện khí: Ô Môn II, III, IV (3.150 MW), Miền Trung I, II và Dung Quất I, II, III (3.750 MW); chuyển Ô Môn I (660 MW) sang sử dụng khí Lô B. Thực hiện nhà máy tua bin khí hỗn hợp (TBKHH) Quảng Trị (340 MW) sử dụng khí mỏ Báo Vàng. Đẩy nhanh công tác thăm dò, thẩm lượng mỏ khí Kèn Bầu để lập kế hoạch phát triển mỏ khí và bổ sung các nhà máy điện hạ nguồn (định hướng tại khu vực Hải Lăng - Quảng Trị, Chân Mây - Thừa Thiên Huế) nếu điều kiện cho phép. Không triển khai dự án Kiên Giang 1 và 2 (2x750 MW) do không xác định được nguồn nhiên liệu.

Còn TS. Chử Đức Hoàng Chánh văn phòng Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia cho hay, việc sử dụng LNG trong ngành điện giúp giảm lượng khí thải Co2 và các chất gây ô nhiễm khác so với việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như than đá và dầu mỏ. Trữ lượng khí thiên nhiên có thể dùng để sản xuất khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) của Việt Nam là 1.300 tỷ mét khối.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, phát triển điện khí ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, nguồn vốn, chính sách… đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, thống nhất và phù hợp...

Cụ thể, nguồn cung và giá khí hóa lỏng của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ thị trường thế giới. Năm 2015, sản lượng khí cấp trong nước cho sản xuất điện đạt cao nhất là 8,8 tỷ m3/năm; trong đó, khu vực Đông Nam bộ là 7,3 tỷ m3/năm và Tây Nam bộ là 1,5 tỷ m3/năm. Hiện nay nguồn khí nội địa cho sản xuất điện đang suy giảm nhanh chóng qua từng năm: Năm 2023, khí cấp cho sản xuất điện khu vực Đông Nam bộ còn khoảng 4,3 tỷ m3/năm và Tây Nam bộ còn khoảng 1,4 tỷ m3/năm. Theo dự báo, đến năm 2030 khí cấp cho sản xuất điện khu vực Đông Nam bộ chỉ còn khoảng 1 tỷ m3/năm và Tây Nam bộ chỉ còn khoảng 0,6 tỷ m3/năm. Như vậy, phát triển điện khí của Việt Nam trong tương lai sẽ không thể chủ động mà phụ thuộc vào nguồn khí nhập.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh:

Cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện..., Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.

Thách thức thứ hai là giá thành điện khí vẫn cao do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu và đặc biệt cao khi giá khí tăng cao sẽ tác động đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam. Đây sẽ là khó khăn khi EVN ký các hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư do tập đoàn này sẽ phải mua đắt bán rẻ theo giá chỉ đạo của Chính phủ.

Ngoài ra, việc phát triển điện khí LNG cũng gặp thách thức do Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG. Việc tìm kiếm địa điểm phù hợp, xây dựng kho cảng chứa LNG đã là một khó khăn do yêu cầu về tiếp nhận LNG và đảm bảo an toàn trong vận hành các cảng, kho LNG. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG. Còn thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận chuyển và vận hành, bảo trì kho cảng nhập khẩu khí LNG...

Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG.

TS. Nguyễn Huy Hoạch, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam:

 Việt Nam hiện chưa có một bản quy hoạch phát triển điện khí LNG cụ thể và chi tiết. Mặc dù đã có Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng cần có một quy hoạch bài bản cho phát triển điện khí của Việt Nam… Việc xây dựng các nhà máy LNG cần được xem xét kỹ về tính khả thi, cũng như tác động của giá LNG đến giá điện trong ngắn và trung hạn.

Như vậy, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. Nếu chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận