Diễn đàn 'Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam'

  • 14/12/2023 12:37:53
  • NGUYỄN THỊ ÁNH PHƯƠNG
  • Kinh tế
  • 0

Sử dụng điện khí LNG phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay.

 

Sử dụng điện khí LNG phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay. LNG đóng vai trò là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Với mong muốn tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, sáng nay (14/12), tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Diễn đàn "Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam".

Toàn cảnh Diễn đàn.

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) thì đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, trong khi nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Trong tương lai, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và dân số, ngành điện Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao; sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực…

Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; đồng thời nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

Các chuyên gia kinh tế cùng tham gia thảo luận, trao đổi tại Diễn đàn.

Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam thời gian qua nhận được rất nhiều sự quan tâm và tranh luận của các nhà hoạch định chính sách và quản lý, các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu và truyền thông. Ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển mạnh trong tất cả các khâu phát triển công nghiệp khí đốt; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ hết khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)… Điều đó đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển và đổi mới đất nước. Tuy vậy, quy mô và hiệu quả còn đang ở mức thấp.

Nghị quyết số 55 của Trung ương về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí: Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG.

Đồng thời, Nghị quyết nêu rõ chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống. Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, coi đó là nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Sử dụng điện khí LNG phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay. LNG đóng vai trò là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Cơ hội cho việc sử dụng LNG cho Việt Nam được đánh giá cao. LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào “Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21”. Sự kiện này được nhiều tổ chức quốc tế về môi trường và tài chính hoan nghênh, ủng hộ.

Bên cạnh đó, nhu cầu và khả năng thương mại hóa mặt hàng LNG trên thế giới ngày một tăng và phổ biến hơn, tốc độ tăng bình quân khoảng 6%/năm, từ đó cho thấy nguồn cung sẽ tiếp cận dễ dàng và khả thi hơn so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, có nhiều biến số cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam khi phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, nguồn vốn, chính sách… mà phần lớn những vấn đề này giải quyết rất khó.

Tại Diễn đàn, các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, cơ quan lập pháp và các nhà nghiên cứu kinh tế cùng thảo luận, trao đổi thông tin và kiến thức về năng lượng; Hiện trạng thị trường điện khí tại Việt Nam hiện nay và tiềm năng phát triển trong tương lai; Cơ hội và thách thức trong việc sử dụng LNG cho Việt Nam; Thu hút vốn đầu tư vào phát triển điện khí LNG tại Việt Nam; đồng thời tìm giải pháp cho những vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, điện khí. Từ đó đóng góp hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách, hướng tới phát triển hiệu quả, bền vững lĩnh vực điện khí LNG tại Việt Nam nói riêng và sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam nói chung nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận