Các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhiều nơi 'hụt hơi'

Hai nhiệm vụ hàng đầu đang được nhiều tỉnh thành, địa phương đề cao là tập trung toàn lực thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công trong tháng cuối năm 2023.

 

Sáng 14/12, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024. 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, năm 2023, GRDP của tỉnh đạt 246.448 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 139,75 triệu đồng. Cả hai chỉ tiêu trên đều không đạt mục tiêu nghị quyết của Tỉnh uỷ Đồng Nai.

Thu ngân sách nhà nước khoảng 58.035 tỷ đồng, đạt 94% dự toán đầu năm. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ. 

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Đồng Nai sụt giảm. (Ảnh: Duy Phương)

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Đồng Nai thấp hơn rất nhiều so với các năm trước, và thấp nhất so với vùng Đông Nam Bộ. Giải ngân đầu tư công so với tiến độ cũng đạt rất thấp.

Theo ông Nguyên: "So với cả nước hiện nay giải ngân đạt 65%, tỉnh Đồng Nai đến ngày 12/12 đạt hơn 46%. Tỉnh đứng thứ 9 trong số 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước".

Năm 2024, Đồng Nai đề ra 31 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu kinh tế như GRDP tăng 6,5 - 7% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 148 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 124.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, năm 2024 các cấp, các ngành nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Trong khi đó, đến hết tháng 11/2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải ngân hơn 5.300 tỷ đồng trong tổng số hơn 5.900 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công được Chính phủ giao, đạt 91%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Dự kiến giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 96% kế hoạch.

Công trình cầu Nguyễn Hoàng vượt sông Hương của tỉnh Thừa Thiên Huế có tiến độ giải ngân tốt.Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, để đạt kết quả này, tỉnh đã làm tốt việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án; tập trung giải quyết giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân. Đồng thời,  các địa phương, đơn vị đã lựa chọn những cán bộ có năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao để triển khai các công trình, dự án từ nguồn vốn đầu tư công. Địa phương cũng kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng theo tháng bảo đảm theo quy định và phù hợp với thực tế...

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đang mang lại nhiều tác động tích cực trong việc thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác.

Thi công cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương.Ông Vui cho biết thêm: “Năm 2024, tỉnh đã quan tâm đến toàn bộ nguồn lực và ưu tiên cho các công trình trọng điểm, nhất là cầu Thuận An qua ven biển và thứ 2 là cầu Nguyễn Hoàng qua Sông Hương, thứ ba là đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2, thứ tư là sẽ thi công đường vành đai ba. Ngoài ra, nhiều dự án phục vụ cho việc chống sạt lỡ đê biển, bờ sông, các dự án phát triển kinh tế xã hội khác thì tỉnh đang tập trung triển khai".

Tại Lào Cai, các ngành, địa phương đang tập trung giải quyết khối lượng lớn công việc trong tháng cuối năm 2023. Hai nhiệm vụ hàng đầu đang được Lào Cai tập trung toàn lực đó là thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công.

Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai mới thu được gần 7.000 tỷ đồng, bằng khoảng 80% dự toán trung ương giao. Tháng cuối năm là thời điểm Lào Cai khẩn trương rà soát các nguồn thu, đôn đốc các khoản nợ, đẩy mạnh tiết kiệm chi, phấn đấu đến hết 31/12 đạt số thu 9.500 tỷ đồng, bằng 111% dự toán trung ương giao. Riêng mốc 12.000 tỷ so với kì vọng của tỉnh từ đầu năm không khả thi.

Đối với công tác giải ngân, tính đến hết tháng 11, Lào Cai cũng đã giải ngân được 80% vốn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nằm trong tốp 20 các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Để hoàn thành nhiệm vụ, Lào Cai còn khoảng 1.000 tỷ đồng nữa phải giải ngân trong tháng cuối năm; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong năm 2024.

Chỉ đạo về nội dung này, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Trong giai đoạn hiện nay tôi đề nghị phải rà lại các dự án, trường hợp các danh mục có thể đầu tư được thì chuyển sang đầu tư. Trong tháng 12 chúng ta vẫn phải tổ chức một cuộc họp để bàn về Chương trình Mục tiêu quốc gia. Tại Lào Cai có một lượng vốn lớn gần 2.000 tỷ giao cho năm 2024, cộng với vốn của năm 2022 chuyển sang 2023 rồi lại chuyển tiếp sang năm 2024. Các đơn vị, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phải tham mưu cho tỉnh để tổ chức một cuộc họp có chất lượng".

Tháng cuối năm cũng là thời điểm Lào Cai phân công lãnh đạo dự, chỉ đạo tổng kết, đánh giá của các ngành, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm mới; triển khai các kế hoạch chuẩn bị đón Tết bao gồm chăm lo Tết cho người nghèo; chuẩn bị cho các sự kiện lớn dự kiến sẽ tổ chức trong năm 2024 như Giải bóng chuyền quốc gia, Lễ hội sông Hồng…

Nhóm PV/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận