Tiết giảm chi phí logistics từ nâng cấp, hiện đại hóa cảng biển

Chi phí vận tải hàng không, đường bộ cao, đường sắt còn kém phát triển dẫn đến nhiều hệ lụy như tắc nghẽn, chậm trễ và làm gia tăng chi phí hậu cần logistics.

 

Vận tải biển hiện đang đảm nhận vận chuyển đến 90% lưu lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu, là huyết mạch của hệ thống vận tải và logistics tại Việt Nam.

Chi phí logistics 16% GDP vẫn là mức khá “lạ lẫm”

Cần tiếp tục tìm kiếm giải pháp làm giảm chi phí logistics từ hiện đại hóa, xanh hóa cảng biển là quan điểm của ông Khương Duy Hiệp, Giám đốc Kinh doanh và Quản lý Dự án tại Royal HaskoningDHV tại Việt Nam. Ông Hiệp cho rằng, nền kinh tế Việt Nam định hướng xuất khẩu, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng và logistics toàn cầu.

Hơn nữa, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư, Việt Nam sẽ sớm trở thành trung tâm sản xuất của thế giới. Do đó cần tăng công suất giao nhận, mở rộng phạm vi cảng biển, đưa chi phí logistics của Việt Nam giảm đến mức có thể chấp nhận khi tương quan với nhiều nước phát triển khác.

“Trước những năm 2015, chi phí logictics của Việt Nam rất cao, thường xuyên rơi vào khoảng trên 20% GDP. Nay bằng nhiều giải pháp, chi phí logistics đã giảm nhưng vẫn chiếm khoảng 16% GDP - là mức chi phí khá “lạ lẫm” và chưa thực sự hấp dẫn, ngay cả với chi phí trung bình tại các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Hiệp đánh giá.

Nhận định khu vực châu Á đang tiếp tục duy trì vị thế trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực vận tải biển và logistics, bà Yeow Hui Leng, Giám đốc dự án cao cấp của Tập đoàn RELX - chuyên phân tích thông tin và cung cấp các giải pháp hàng đầu cho DN chỉ ra, hạ tầng logistics cần nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội tốt để phát triển và đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng, logistics toàn cầu. Đầu tư nâng cấp cho hạ tầng hàng hải, cảng biển, đội tàu sẽ là tiền đề và cơ hội tốt để xây dựng mối quan hệ với cộng đồng hàng hải quốc tế đang mong muốn hợp tác với Việt Nam, từ đó tăng khả năng giảm chi phí logistics”, bà Yeow Hui Leng khuyến nghị.

Từ thực tế của logistics hiện nay, ông Khương Duy Hiệp đưa ra giải pháp cho hệ thống cảng biển Việt Nam. Đó là cần tăng cường ứng dụng công nghệ quy trình tự động hóa, hoặc ít nhất cũng là bán tự động để tạo sự đột phá trong tiết giảm chi dịch vụ logistics cho chính cảng biển cũng như DN. Đây là một trong những giải pháp mang quy mô trong khuôn khổ ngân sách cho phép, nhưng lại sớm đáp ứng xu thế hiện nay về phát triển cảng xanh và cảng thông minh, từ đó tối ưu hóa vận hành cảng biển, giảm chi phí logistics.

Hóa giải “vấn nạn” 30.000 - 50.000 tờ hóa đơn, chứng từ mỗi ngày

Minh chứng cho hiệu quả khi ứng dụng công nghệ tự động hóa tại cảng biển Hải Phòng, ông Khương Duy Hiệp cho biết, việc triển khai 2 cổng cảng tự động, lượng chi phí tiêu hao tiết kiệm được tương đương với 35ha cây xanh, nếu quy đổi tương quan tại thị trường tín chỉ carbon, đơn giản là tiết giảm được chi phí vận hành, giảm chi phí logistics nhưng sâu xa là đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường.

Để tiết giảm chi phí logistics xuống thấp hơn mức 16% GDP hiện nay cần nhiều giải pháp, trong đó các DN hàng hải cần nỗ lực đổi mới và số hóa, xanh hóa.Đồng quan điểm cần hiện đại hóa cảng biển làm tiết giảm tối đa chi phí logistics, bảo vệ môi trường, ông Đậu Quốc Hưng, Phó Trưởng ban nghiên cứu và phát triển thị trường Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, trước đây, các DN, chủ hàng thường phải đến cảng để khai báo và làm thủ tục. Số lượng giấy tờ DN phải hoàn tất trong bộ hồ sơ vào khoảng 30.000 - 50.000 tờ/ngày cho 3.000 - 5.000 lượt xe đến cảng.

Nhưng hiện nay, khi Tân Cảng Sài Gòn nâng cấp và chuyển sang khai báo hàng hóa trên ứng dụng Electronic Port (ePort - triển khai từ tháng 8/2022), đến thời điểm này đã có 33.000 lượt download ePort và 90% lượng hàng hóa được check in online, từ đó tiết kiệm được từ 30.000 - 50.000 hóa đơn, chứng từ và file Excel/ngày…

Ngoài ra, với hệ thống hóa đơn điện tử (EDO) được áp dụng từ năm 2020, tất cả các công việc của DN, chủ hàng trước đây phải đến cảng, đến văn phòng các hãng tàu đã được thực hiện hoàn toàn trên EDO, hóa giải phần lớn những thủ tục, phiền toái cho DN và chủ hàng cũng như các hãng tàu và cả đơn vị quản lý cảng biển.

“Đa số các công việc trước đây được thực hiện thủ công bằng giấy tờ, bằng con người giờ DN chỉ cần ngồi một chỗ và sử dụng phần mềm ứng dụng. Cảng biển đã giảm số lượng nhân viên giao nhận xuống mức tối thiểu, từ 60 nhân viên xuống còn 2 nhân viên. Quy trình thủ tục được số hóa đã làm giảm chi phí vận hành cảng biển giảm từ đó giảm chi phí logistics cho DN. Quan trọng hơn, hoạt động này còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải từ quá trình in ấn chứng từ, hóa đơn”, ông Hưng cho biết.

Chỉ bằng những giải pháp riêng về công nghệ trong lĩnh vực hàng hải, chi phí vận hành và logistics đã được tiết giảm đáng kể. Nếu dịch vụ logistics cùng đồng loạt được cải tiến ở nhiều khâu và quy trình, tốc độ giảm chi phí logistics của Việt Nam sẽ còn nhanh hơn, từ đó tăng tính hấp dẫn ngay cho lĩnh vực hàng hải.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận