'Từ trang trại đến bàn ăn': Hướng đi bền vững của hợp tác xã Tâm Hương

  • 15/12/2023 09:47:22
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Nhằm cung cấp những sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương đã xây dựng thành công mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng ở trang trại đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, theo hướng 'từ trang trại đến bàn ăn'.

 

Xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ uy tín

Không cần phải đi xa, người Hà Nội yêu thích đặc sản Tuyên Quang có thể mua được sản phẩm ngay tại ki-ot 8 HH1A Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương. Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản và thực phẩm sạch của Tuyên Quang đến với người dân thủ đô nên lúc nào cũng thấy tấp nập người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.

Đã từ lâu các sản phẩm tại cửa hàng của HTX Tâm Hương trở thành món ăn yêu thích trong bữa cơm của gia đình chị Vũ Quỳnh Lê ở Hoàng Mai, Hà Nội. Chị Lê cho biết: “Cũng như bao người nội trợ khác, tôi lựa chọn và tìm mua các sản phẩm an toàn cho sức khoẻ nên thường đến các cửa hàng bán sản phẩm OCOP - sản phẩm đặc trưng của các tỉnh. Cửa hàng giới thiệu và bán nông sản thực phẩm sạch Tâm Hương là một trong những địa chỉ đó, bởi tại đây thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm”.

HTX Tâm Hương canh tác theo hướng hữu cơ siêu sạch.

Theo chị Lê, nông sản ở đây đa dạng mẫu mã, chủng loại, từ rau, củ, quả đến thịt lợn, thị gà, cá, thịt trâu... và sản phẩm khô, đóng gói như bún, miến, bột sắn dây, bột nghệ, măng khô... Đây đều là các sản phẩm đặc trưng của Tuyên Quang có gắn sao, đảm bảo chất lượng. Cửa hàng còn chế biến cung cấp những món ăn ngon tới khách hàng như giò chả lợn đen, chim câu hấp, lẩu gà đen, bì trâu xào măng…

Anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, cho biết: “Không chỉ ở Hà Nội mà tại Tuyên Quang HTX cũng có 3 cửa hàng chuyên bán các sản phẩm OCOP là nông sản đặc trưng của các địa phương trong tỉnh. Sản phẩm đều được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng biết về quy trình sản xuất, xuất xứ sản phẩm. Hiện cửa hàng đang giới thiệu và bày bán hơn 400 mặt hàng nhãn hiệu chất lượng và hơn 120 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh và nông sản đặc trưng của các địa phương, trong đó có các sản phẩm như: bưởi Soi Hà, na Lực Hành, cam Hàm Yên, bột sắn dây, bột nghệ, dầu lạc, mắm cá, cá đặc sản... của các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn các huyện thành phố trong tỉnh.”.

Liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học

Các sản phẩm được bày bán đều do HTX trực tiếp liên kết với bà con địa phương để sản xuất và tiêu thụ. HTX lắp đặt hệ thống nhà màng trồng rau củ quả hữu cơ trị giá 500 triệu đồng; liên kết với các thành viên người Dao, người H’Mông ở xã Hồng Thái tham gia trồng 10 ha rau củ quả hữu cơ; xây dựng mô hình trang trại lợn đen bản địa, lợn rừng lai, gà đen an toàn sinh học; rau, củ, quả được trồng tại xã Hồng Thái, xã Thanh Tương, xã Sơn Phú, huyện Na Hang với quy mô 15ha (trồng cà chua, bắp cải, su hào, măng tây, ớt, bí xanh thơm…); chăn nuôi lợn đen bản địa, gà vi sinh, gà đen H’Mông tại thị trấn Na Hang trên diện tích 3ha với hơn 1.000 con gà, 300-500 con lợn đen bản địa, lợn lai rừng;...

                     Quy trình chăm sóc được kiểm soát

Hiện tại HTX đang chủ trì 01 dự án khoa học công nghệ Gà H’Mông; 01 dự án liên kết rau, củ, quả, cây gia vị tại huyện Na Hang; 01 dự án lợn đen bản địa liên huyện Na Hang, Chiêm Hóa. Duy trì và phát triển các hạng mục do Dự án KOICA hỗ trợ: nhà màng trồng rau, củ, quả, máy sấy lạnh nông sản.

Theo anh Tâm, rau củ quả và hàng tươi sống đều do HTX tự trồng, tự nuôi. Rau được canh tác theo hướng hữu cơ siêu sạch. Các loại tôm, cá chắc thơm thịt được nuôi tại lòng hồ sâu, nước xiết thủy điện Tuyên Quang. Thịt lợn đen, gà đen H'Mông bản địa là những món ăn đặc sản đã gắn liền với vùng đất Na Hang. Để đưa sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng, HTX đã áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến thức ăn và đệm lót sinh học ủ men vi sinh bản địa để bảo tồn và phát triển giống lợn đen, gà đen H’Mông bản địa tại trang trại tổ 7, thị trấn Na Hang.

TX đã áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến thức ăn và đệm lót sinh học ủ men vi sinh bản địa.Nhờ quy trình chăm sóc và chế biến ứng dụng công nghệ cao bài bản mà mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 2 tấn nông sản, sản phẩm các loại... Hiện HTX có 15 thành viên và 12 lao động làm việc tại các điểm sản xuất và chuỗi cửa hàng của HTX, với mức thu nhập bình quân từ 6-10 triệu đồng/tháng/người.

Anh Tâm cho biết: “Các sản phẩm OCOP bước đầu được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, hài lòng về chất lượng. Bộ máy lãnh đạo của HTX luôn luôn tâm huyết, trách nhiệm với từng sản phẩm và tìm tòi, học hỏi, cầu thị lắng nghe. Hiện trung bình mỗi ngày cửa hàng đón khoảng 100 lượt khách đến tham quan, mua hàng. Thời gian tới, cửa hàng tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Cửa hàng sẽ tiếp tục trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP được công nhận trong đợt 2; mỗi tuần chọn 1 sản phẩm bán không lợi nhuận; sử dụng túi đựng hàng hóa thân thiện với môi trường…”.

“Chúng tôi rất tự hào vì đã góp phần khẳng định được thương hiệu nông sản Tuyên Quang. Sản phẩm của HTX đã có mặt tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tháng 6/22023 HTX đã cung cấp 600 xuất quà cho văn phòng Quốc hội, dự kiến dịp Tết Nguyên Đán 2023 sẽ tiếp tục cung cấp 1.700 xuất quà”.

Anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, Na Hang, Tuyên Quang.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận