Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu thúc đẩy hợp tác kinh doanh với thị trường quốc tế

Thúc đẩy hợp tác giúp doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng và đa dạng thị trường ....

 

Nhằm mục tiêu giúp thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của các doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu phát triển mạnh, giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng và đa dạng thị trường đồng thời đưa ra khuyến nghị tích cực trong việc hợp tác kinh doanh với các thị trường quốc tế.

Quang cảnh các đại biểu, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp tỉnh BRVT

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia, sáng ngày 14/12/2023, tại Hội trường VCCI BRVT, Sở Công thương – Thường trực Ban chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Vũng Tàu tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các thị trường quốc tế dành cho các Doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.

Có thể thấy, đây là sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa, diễn ra với những thành tựu của Việt Nam sau hơn 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) nói riêng cũng là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và ổn định cho các nhà đầu tư quốc tế. Hiện tại, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã và đang rất quan tâm, tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển. Qua đó, có nhiều cơ hội trở thành một trong những trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Niềm tin của các nhà đầu tư chính là mỏ neo lớn nhất để kỳ vọng vốn đầu tư nước ngoài vào sẽ tiếp tục gia tăng.

Hội nghị “Thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các thị trường quốc tế dành cho các Doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” có ý nghĩa bởi được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 93 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2023 - 2030 trong đó đề ra những định hướng lớn cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu và các diễn giả, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trao đổi và còn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các cam kết quốc tế để từ đó phản ánh và kiến nghị với các bộ, ngành và Chính phủ và tỉnh BRVT về phương án giải quyết, tháo gỡ các khó khắn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bà Vũ Bích Hảo – PGĐ Sở Công thương BRVT phát biểu khai mạc hội nghị

Bà Vũ Bích Hảo – PGĐ Sở Công thương BRVT cho rằng cần tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và truyền thông về hội nhập quốc tế với hình thức đa dạng, linh hoạt, hướng đến các nội dung chuyên sâu gắn với tình hình biến động, hội nhập kinh tế thế giới. BRVT có số lượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Trong khi đó, vấn đề hội nhập được các doanh nghiệp lớn, có xuất khẩu quan tâm nhiều hơn. Đồng thời, liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước chưa đạt kỳ vọng.

Tại Hội nghị, các đại biểu còn thảo luận việc xây dựng chiến lược quảng bá cho sản phẩm, quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến. Đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao an toàn đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Lập kế hoạch tổ chức sản xuất gắn với phát triển thị trường tiêu thụ…Trong đó, việc triển khai các vấn đề trong FTA thế hệ mới như lao động, công đoàn, môi trường, xu hướng chuyển đổi kép, chuyển đổi năng lượng,…Với nhu cầu ngày càng khắt khe giữa các thị trường, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Viện trưởng Viện IMRIC Hồ Minh Sơn – Giám đốc Trung tâm TTLCC tham luận tại hội nghị

Ông Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), GĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho rằng, hội thảo lần này, với năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh, cần đẩy mạnh hơn nữa đầu mối để tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp…Nhằm đảm bảo việc hội nhập quốc tế có hiệu quả, các doanh nghiệp không chỉ chủ động mà các hiệp hội, ngành hàng, đơn vị cũng cần có chức năng đầu mối, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đó, cần thay đổi tư duy sản xuất chuyển từ số lượng sang chất lượng, đặt mục tiêu đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Mặt khác, thiết lập cơ chế hợp tác hữu cơ giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo giá trị, chất lượng và an toàn cho toàn bộ chuỗi cung ứng.

Đại diện Jica tham luận tại hội nghị

Việt Nam nói chung tỉnh BRVT nói riêng hiên đang triển khai hội nhập sâu rộng và toàn diện trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng với hội nhập kinh tế là trọng tâm. Do đó, nền kinh tế vừa phải đảm bảo độc lập tự chủ, vừa phải gắn kết chặt chẽ với kinh tế thế giới để kịp thời nắm bắt những cơ hội và vượt qua thách thức trong tiến trình hội nhập. Thế giới ngày nay đang có nhiều diễn biến phức tạp nhưng tựu chung lại, có một số xu thế nổi bật như sau: Thế giới chuyển từ nền kinh tế tri thức tới toàn cầu hóa số và kinh tế số dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư; Toàn cầu hóa chuyển dần sang khu vực hóa thương mại, xu hướng hợp tác song phương đang chiếm ưu thế so với hợp tác đa phương; Sự đấu tranh giữa xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại và chống bảo hộ thương mại; Xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng trên thế giới sau đại dịch COVID-19...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau thảo luận về những một số giải pháp chính sách như: tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bồi đắp nội lực của nền kinh tế, để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với việc tận dụng giao thương để thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng các lợi thế có được từ các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),… cần củng cố nội lực bằng việc quyết liệt thực hiện cơ cấu lại kinh tế, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại xuất, nhập khẩu và khai thông thị trường nội địa.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận