Dù dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã được cơ quan chức năng tạm dừng công bố song dư luận vẫn bán tín, bán nghi về nhóm lợi ích vận động chính sách theo kiểu “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Phóng viên Báo TNVN đã có buổi trò chuyện với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vấn đề này.
Thưa ông, liên quan tới dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm, có ý kiến cho rằng dường như có sự vội vã, thiếu cẩn trọng của những người làm chính sách. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Tôi đặt câu hỏi tại sao tự nhiên lại đưa câu chuyện nước mắm công nghiệp gắn vào nước mắm truyền thống để gây tranh luận ầm ĩ, tốn giấy bút. Tất cả những gì đã có từ hàng trăm năm nay thì phát huy và có những quy định phù hợp để ngày càng đảm bảo chất lượng tốt hơn. Đây là bài học đối với việc làm chính sách trong điều kiện hiện nay. Công khai minh bạch là cần thiết nhưng không có nghĩa là chưa chín chắn đã công bố, công bố rùm beng lên. Khi công khai chính sách nào đó dù là dự thảo cũng cần phải nghiên cứu kỹ để người dân thấy cán bộ quản lý là những người chín chắn, toàn tâm toàn ý vì nhân dân chứ không vì lợi ích nhóm, hay tùy tiện cá nhân. Nếu lãnh đạo quản lý không chín chắn, không nghiêm túc, không sâu sắc sẽ làm cho người dân thấy lo ngại, hoài nghi là điều không tránh khỏi. Bác Hồ từng nói tác phong, phương pháp của cán bộ không chỉ cần mà phải cẩn.
Câu chuyện bộ quy chuẩn nước mắm chỉ là một trong rất nhiều các chính sách “gây sóng” trong thời gian qua. Dư luận đánh việc xây dựng chính sách tồn tại “lỗ hổng” lớn trong việc đánh giá tác động? Ông có thể phân tích sự cần thiết của việc làm này trong việc hoạch định chính sách?
Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm gây bức xúc trong dư luận thời gian qua thì theo tôi là do phương pháp làm chính sách chưa ổn. Hình thành các chính sách pháp luật thì các nhà quản lý nên thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và phải được thực hiện nghiêm túc và khoa học. Trước khi công bố một chính sách mới ảnh hưởng đến người dân những người làm chính sách phải tìm cách khảo sát trên phạm vi rộng, bằng những phương pháp khảo sát khoa học. Và khi đã có những kết quả mang tính tổng hợp, nhận được sự đồng thuận của dư luận đối với chính sách, từ đó mới quyết định có nên chính thức đưa chính sách vào cuộc sống hay không. Các chính sách gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận cho thấy chưa làm tốt công tác thăm dò ý kiến, hoặc là làm chưa thật sự nghiêm túc.
Khi xây dựng chính sách mới cần phải tính toán kỹ lưỡng giữa cái được và cái mất, ảnh hưởng đến ai, và phải giải thích cho nhân dân biết chính sách có lợi gì, hại gì. Một việc cần phải hỏi nhiều cơ quan, có sự liên kết và phải lắng nghe các ý kiến. Xung quanh câu chuyện bộ quy chuẩn nước mắm có rất nhiều lùm xùm như là ý kiến của người trong cuộc bị gạt đi, có những chuyên gia bị mời ra khỏi cuộc họp. Tập hợp ý kiến thì cũng phải nghiêm chỉnh, bởi tại sao nhiều chuyên gia, dư luận có ý kiến rồi mà vẫn ban hành. Đã có nhiều việc xảy ra dù được các cơ quan tham mưu nhưng không được nghe nên mới nên mới dẫn đến sai phạm.
Theo ông, trách nhiệm của những người làm chính sách như thế nào đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ chịu thiệt thòi khi chính sách được thông qua?
Khi khảo sát và thông qua chính sách thì những người làm chính sách cần chú ý đến những nhóm đối tượng có nguy cơ chịu thiệt thòi và có những định lượng tương đối về những thiệt thòi này. Trách nhiệm của những người làm chính sách không thể bỏ qua những người nghèo khổ và người yếu thế. Về mặt lý thuyết, những nhà làm chính sách chắc đã nắm rõ điều này nhưng vấn đề có thực hiện được như thế không hay là khi thực hiện bị chi phối bởi động cơ nào khác. Theo tôi, nếu chính sách được đưa ra không phù hợp cần phải thay đổi và những người tham mưu phải được kiểm điểm. Những người ký quyết định văn bản đó ở các cấp cần qua quá trình tính toán kỹ lưỡng, thậm chí cần hỏi dân, hỏi các nhà chuyên môn, hỏi cấp trên... Một chính sách khi xây dựng nhân viên hay chuyên viên tham gia dự thảo cần ký tên mình vào đó, sau đó là người cuối cùng quyết định ký ban hành. Khi ban hành chính sách không phù hợp tùy theo mức độ tổn hại đến lợi ích của dân cần công khai xin lỗi và đền bù.
Ông có thể đưa ra một vài giải pháp ngăn ngừa tình trạng chính sách ban hành chỉ phục vụ lợi ích nhóm đối tượng nào đó?
Các văn kiện của Đảng và Nhà nước cũng đã đề cập đến một loại tham nhũng là tham nhũng chính sách. Một số đối tượng đưa lợi ích nhóm, ý đồ tham nhũng thành quy định của Nhà nước. Để phòng chống căn bệnh này cần thực hiện dân chủ công khai minh bạch. Chính sách ban hành phải hỏi dân. Dân ở đây là mọi tầng lớp từ trí thức, các nhà khoa học đến người lao động. Cần phải công phu trong việc hỏi dân. Minh bạch là không được tư túi về lợi ích cá nhân. Những người hoạt động chính sách phải chín chắn hơn nữa. Người lãnh đạo không nên ngẫu hứng phát biểu, khi nhận được phản hồi thì phải tiếp thu. Phải thật sự mở rộng dân chủ mới nhận được sự nhận được sự đồng thuận cao. Thực tế trung ương rất quan tâm xây dựng đội ngũ tham mưu chiến lược và lãnh đạo chiến lược. Cái chính là phải nâng cao tính chuyên nghiệp và chế độ trách nhiệm với những người làm chính sách, chứ không phải thích làm thế nào thì làm. Những người dự thảo phải công tâm và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ.