Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp đề nghị, năm 2024, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cần tập trung đầu tư, hoàn thiện bến 3,4 tại Cảng Lạch Huyện, đầu tư Cảng Đà Nẵng, nghiên cứu chủ trương xây dựng Cảng Liên Chiểu và Dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ…
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sáng 4/1, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức.
Năm qua, sản lượng vận tải biển của doanh nghiệp đạt 20,6 triệu tấn, bằng 116% kế hoạch năm 2023; sản lượng hàng thông qua cảng 113,5 triệu tấn, đạt 84% kế hoạch năm 2023. Tổng mức doanh thu đạt 17.964 tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch đặt ra và lợi nhuận của VIMC đạt 2.084 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm 2023.
Trong đó, kết quả của công ty mẹ đạt danh thu 2.024 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 350 tỷ đồng.
Doanh thu khối vận tải biển ước đạt 6.261 tỷ đồng, tương đương tăng 22% so với kế hoạch (tăng chủ yếu ở doanh thu của Vosco - tăng 1.382 tỷ đồng). Khối dịch vụ hàng hải có lợi nhuận ước đạt: 59 tỷ đồng, giảm 31% so với kế hoạch.
Đối với khối cảng biển, doanh thu ước đạt 6.447 tỷ đồng, giảm 7% so với kế hoạch. Lợi nhuận khối cảng biển ước đạt 1.724 tỷ đồng, giảm 9% so với kế hoạch (nguyên nhân do sụt giảm của doanh thu).
"Sản lượng toàn khối cảng biển giảm 16% so với kế hoạch do chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi. Nhu cầu tiêu dùng yếu đặc biệt tại hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và Châu Âu dẫn tới sản lượng các cảng của VIMC tại khu vực Cái Mép Thị Vải sụt giảm mạnh so với cùng kỳ", ông Tĩnh thông tin.
Cần đầu tư trọng điểm vào các cảng biển chiến lược
Ghi nhận và đánh giá cao những thành công đạt được của VIMC trong năm 2023 trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị xã hội của thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng trong thời gian tới, VIMC cần tập trung mọi nguồn lực triển khai cá đề án phát triển của doanh nghiệp.
Ông Cảnh lưu ý doanh nghiệp cần mạnh dạn hơn nữa trong quyết định triển khai đầu tư, phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế, nâng cao năng lực đội tàu vận tải biển và lưu ý nắm bắt tình hình thị trường để đưa ra những quyết định kịp thời, bảo đảm hiệu quả, tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tỷ lệ giải ngân của một số dự án của VIMC còn thấp so với kế hoạch, một số dự án giải ngân chưa dứt điểm. Do đó, doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực, bảo đảm có những giải pháp để giải quyết dứt điểm các tồn tại hạn chế. Đồng thời, chú trọng nguồn vốn đầu tư tại các công ty con.
VIMC cũng được yêu cầu bảo đảm triển khai các dự án phát triển, phát triển vận tải biển xanh, đầu tư chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả điều hành, dịch vụ, rà soát các khoản đầu tư chưa hiệu quả để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, rà soát sửa đổi điều lệ của doanh nghiệp phù hợp với các quy định hiện hành.
Chỉ ra năm 2024 có cả thách thức và cơ hội, theo ông Cảnh, VIMC tập trung đầu tư các dự án đầu tư trọng điểm như dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu; Tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái cảng biển – vận tải biển – logistics của VIMC thông qua việc tham gia đầu tư dự án cơ sở hạ tầng logistics, ICD, kho bãi…và đưa Công ty cổ phần container VIMC vào hoạt động.
Theo VOV.VN