Làm gì để kinh tế 2024 bớt rủi ro với những cú sốc giá vàng

  • 05/01/2024 01:50:48
  • VOV-Giao thông
  • Kinh tế
  • 0

Năm 2023 khép lại với ‘cú sốc' giá vàng chưa từng có, tuy không kéo dài nhưng cũng đủ khiến xã hội xôn xao và tác động phần nào tới nền kinh tế.

 

Năm 2023 khép lại với ‘cú sốc” giá vàng chưa từng có, tuy không kéo dài nhưng cũng đủ khiến xã hội xôn xao và tác động phần nào tới nền kinh tế.

Nhìn rộng ra, 2023 cũng là năm kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng của khó khăn chung. 2024 đã bắt đầu, các cơ quan quản lý cần làm gì để giảm tới mức thấp nhất những rủi ro như “cú sốc” giá vàng vừa qua?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương).

PV: Sau "cú sốc" giá vàng trong nước mới diễn ra, và sau 1 năm 2023 với nhiều biến động, ông có nhận định gì về kinh tế nước ta trong năm 2023 vừa qua?

TS. Lê Quốc Phương: Năm 2023 khép lại với rất nhiều khó khăn do các cú sốc lớn đến từ bên ngoài và cả những khó khăn nội tại. Trong những ngày cuối cùng của năm 2023, giá vàng biến động dữ dội và tăng đến mốc cao nhất mọi thời đại.

Năm 2023 khép lại với ‘cú sốc” giá vàng chưa từng có. (Ảnh minh họa)Thế nhưng trong bối cảnh thách thức đó, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận. Ví dụ tăng trưởng GDP của chúng ta đạt 5,05%, tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng là mức khá cao trên thế giới. Chúng ta duy trì được ổn định của nền kinh tế vĩ mô, tức lạm phát khá thấp, chỉ số CPI bình quân đạt 3,25%, nợ công trên GDP khá thấp, dự trữ ngoại hối tương đối cao.

Cán cân thương mại của chúng ta xuất siêu tuy chúng ta xuất khẩu âm. Và trong bối cảnh đó thì chúng ta bước sang tháng đầu năm 2024 với quyết tâm rất cao và cùng những biện pháp rất quyết liệt nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể phấn đấu năm nay đạt tăng trưởng kinh tế từ 6 đến 6,5% và tốc độ tăng chỉ số CPI, tức là lạm phát là từ 4 đến 4,5%, tiếp tục đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế thì đây là những mục tiêu không hề dễ dàng.

PV: Cú sốc giá vàng gần đây tuy không kéo dài nhưng cũng đủ khiến xã hội xôn xao. Theo kinh nghiệm của ông, năm 2024 chúng ta cần lưu ý những yếu tố nào, những việc gì cần làm để chủ động giảm rủi ro gây hại cho nền kinh tế?

TS. Lê Quốc Phương: Thứ nhất là các cơ quan chức năng quản lý thị trường tài chính tiền tệ như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải có giải pháp cụ thể để gia tăng niềm tin cho thị trường và cho các nhà đầu tư, để hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh, tránh người dân đổ xô vào dự trữ quá mức. Công tác thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, cung cấp thông tin chính thức, công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách, quản lý thị trường để người dân có niềm tin vào giá trị tiền Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước cần phải đề ra biện pháp xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến thị trường vàng. (Ảnh minh họa)Còn những biện pháp cần làm thì tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có biện pháp quyết liệt hơn, cụ thể là theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thế giới, trong nước nữa để có giải pháp bình ổn kịp thời và không nên để tình trạng chênh lệch quá lớn giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế như thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước cũng phải đề ra biện pháp xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến thị trường vàng. Một điểm nữa tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cũng cần làm là rà soát lại cơ chế, chính sách quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là vàng miếng, trong đó nên sớm tổng kết Nghị định 24/2012 là nghị định đã giúp giảm việc vàng hóa nền kinh tế. Thế nhưng qua mười mấy năm thực hiện thì nó sẽ có phát sinh bất cập mới.

PV: Tổng quan cho cả năm 2024 vừa mới bắt đầu, theo ông những yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý, điều hành kinh tế là gì để chúng ta vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội?

TS. Lê Quốc Phương: Năm 2024 mục tiêu chính có ba mục tiêu: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó kiểm soát lạm phát và thứ ba là đảm bảo cân đối kinh tế lớn của nền kinh tế.

Chúng ta cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp. Thứ nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách và đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Một điểm nữa là chúng ta phải khắc phục tâm lý sợ sai của cán bộ, công chức hiện nay, khuyến khích dám nghĩ dám làm.

Cũng cần thực hiện quyết liệt hơn việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cái này chúng ta đã làm trong nhiều năm qua nhưngcòn rất chậm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Một điểm nữa là trong bối cảnh 2023 các động lực tăng trưởng của chúng ta suy giảm, thì chúng ta sẽ cần biện pháp để củng cố lại động lực tăng trưởng này, đó là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Cũng cần lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt với những dự án trọng điểm. Ngoài ra, trong xu hướng phát triển chúng ta phải thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử rồi các lĩnh vực mới mà nó mang tính hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuân Tú/VOV Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận