Giải pháp nào thúc đẩy Logistic thương mại điện tử chuyển đổi xanh?

  • 11/01/2024 09:00:00
  • VOV.giaothong.vn
  • Kinh tế
  • 0

Theo báo cáo do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp thứ 10 trong tổng số 50 thị trường logistics mới nổi.

 

Năm 2022, lĩnh vực logistic có tốc độ tăng trưởng khoảng 15% đóng góp quan trọng vào việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lên 732,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vận tải đường bộ chiếm hơn 95% tổng lượng khí thải ra môi trường từ hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Bởi vậy, thực hiện các hoạt động logistic xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải nhà kính và tác động đến môi trường, đồng thời thực hiện cam kết mà Chính phủ Việt Nam đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21).

Hiện nay, các doanh nghiệp logistic Việt Nam đã và đang làm gì để chuyển đổi xanh? Cần những giải pháp nào để thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực này?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Lan Hương - Trưởng ban Logistic, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam xung quanh nội dung này.

PV: Việt Nam đã cam kết giảm phát thải không bằng 0 vào năm 2050, hiện nay nhiều lĩnh vực cũng đang thực hiện những giải pháp để giảm thiểu phát thải. Các doanh nghiệp logistic đã có sự chuyển đổi xanh như thế nào?

Bà Phạm Thị Lan Hương: Giống như các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, ngành logistic cũng không đứng ngoài chuyển đổi xanh. Chuyển đổi xanh cũng đang là một xu thế nổi trội và các doanh nghiệp đang quan tâm rất nhiều. Chúng tôi tiếp cận ở 2 góc độ:

Thứ nhất, chúng ta có thể chuyển đổi xanh bằng cách tối ưu các nguồn lực giảm lãng phí, từ đó có thể tạo thêm cơ hội để chúng ta cắt giảm phát thải. Thứ hai, đó là câu chuyện sử dụng các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường, các vật liệu thân thiện với môi trường hơn và thay đổi sang các phương thức vận tải thân thiện với môi trường hơn.

Thị trường bây giờ đang tối ưu các nguồn lực bằng chuyển đổi số và bức tranh về chuyển đổi số đang diễn ra ở tất cả các cấp độ, từ góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực Logistic, cũng như góc độ của doanh nghiệp cũng đã có những dịch chuyển nhất định bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Ờ lĩnh vực thương mại điện tử, một số doanh nghiệp lớn có thể chuyển đổi xanh, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp gặp khó khăn. Tuy nhiên, logistic vẫn là ngành truyền thống, hàng hóa vật lý dịch chuyển qua lại, cho nên mức độ chuyển đổi số ở đây chưa được toàn diện. Song cần khẳng định, sự dịch chuyển tương đối rõ nét và ngày càng tăng lên ở các cấp độ ứng dụng công nghệ thông tin để làm sao có thể tối ưu các luồng tuyến vận chuyển để giảm thiểu câu chuyện về lãng phí.

Ở góc độ về sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, chúng tôi cũng có nhìn thấy xu thế dịch chuyển sang sử dụng nhiên liệu bằng điện cho hệ thống phương tiện, trang thiết bị trong kho. Đối với các hoạt động vận tải, hoạt động vận tải bằng xe tải điện vẫn còn là một bài toán khá là thách thức.

Những hoạt động vận tải liên quan đến xe máy bắt đầu có những dịch chuyển nhất định khi các công ty đưa vào ứng dụng hệ thống giao hàng xe máy bằng điện. Tuy nhiên, xe tải vẫn đang ở mức độ thử nghiệm, ở Việt Nam gần như chưa có bên nào áp dụng. Đây cũng là câu chuyện của tương lai dài hơi hơn.

Ở góc độ Hiệp hội, chúng tôi cũng đang rất nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp là dịch chuyển sang sử dụng các phương thức vận tải bằng đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển để giảm áp lực của vận tải đường bộ vốn là một phương thức mà hiện tại đang chiếm đa số và cũng phát thải rất nhiều. Đấy là một số những dịch chuyển và những cái xu thế liên quan chuyển đổi xanh mà ngành logistic Việt Nam đang diễn ra.

PV: Như bà có chia sẻ, ở lĩnh vực thương mại điện tử, một số doanh nghiệp lớn có thể chuyển đổi xanh, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp gặp khó khăn. Vậy theo bà, thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể thực hiện chuyển đổi xanh?

Bà Phạm Thị Lan Hương: Tôi nghĩ rằng nó sẽ cần sự nỗ lực đến từ nhiều bên. Thứ nhất, là về cơ chế, chính sách, liệu rằng chúng ta có một chương trình gì đó để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ví dụ như khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh thì cần phải ứng dụng công nghệ, vậy chúng ta có thể bố trí nguồn vốn, hỗ trợ mức ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đồ số được không?

Thứ hai là về mối quan hệ giữa các doanh nghiệp đối với các sàn thương mại điện tử. Bởi vì sàn thương mại điện tử hiện đang là khách hàng chính của các doanh nghiệp logistic. Bởi vậy, các sàn thương mại điện tử có thể hỗ trợ phần nào hoặc làm gì trong mối quan hệ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có thể quyết liệt trong chuyển đổi số.

Ví dụ như đặt ra những tiêu chuẩn tiên quyết, đi kèm với các tiêu chuẩn đó có những hỗ trợ về mặt thời hạn thanh toán, dòng tiền... Tôi không nói về vấn đề chi phí bởi vì chi phí chúng ta có thể tiếp cận trên mặt bằng của thị trường.

Song song với đó là cần nâng cao nhận thức, tuyên truyền, khuyến khích nhưng tôi nghĩ bài toán liên quan đến lợi ích là bài toán trực diện, quan trọng. Đấy là những giải pháp mà cơ quan quản lý cũng như các đối tượng liên quan trong chuỗi logistic phục vụ cho thương mại điện tử có thể cùng tiếp cận đến.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hải Hà/vovgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận