Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, do tình hình mua sắm hàng Tết ảm đạm, tiểu thương tại chợ đầu mối ở TP.HCM cũng giảm số lượng hàng nhập vào. Ngành chức năng TP.HCM cho biết, sẽ có các giải pháp hỗ trợ tiểu thương kết nối cung cầu.
Sức tiêu thụ hàng hóa giảm
Theo tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và Hóc Môn, năm nay sản lượng về chợ chỉ khoảng 30-60%. Nguyên nhân do các chợ truyền thống, hàng quán ế ẩm, doanh nghiệp cắt giảm lao động nên bếp ăn nhập hàng ít hơn...
Bà Phạm Thị Kiều Loan, kinh doanh rau củ quả tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, trước dịch Covid-19, vào đợt cao điểm mua sắm Tết, mỗi ngày bà bán được 5 tấn hàng, nhưng nay mỗi ngày chỉ bán 600-800kg, thu nhập cũng giảm 70%.
Do rau củ quả là mặt hàng không để được lâu, nên bà Loan chỉ nhập về số hàng vừa đủ để đáp ứng như cầu khách đặt mua, ngoài ra chỉ để lại một ít dự trữ nhằm bảo đảm nhu cầu phát sinh.
“Trước đây 1 khách đặt mua khoảng 100kg, bây giờ khách đó mua 1 ngày 30-40 kg nhưng họ chia ra, mua cho mình 20 kg, chỗ khác 20 kg. Cửa hàng phải duy trì phương thức bán ít, bán mối, bán đủ và lời ít đi, không bán nhiều như những năm trước vì kinh tế khó khăn, bán nhiều khách cũng nợ nhiều”, bà Loàn cho biết.
Còn bà Lại Thị Xuyến, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, mặc dù sức tiêu thụ năm nay giảm, nhưng bà vẫn cố gắng giữ nguyên số thịt nhập về như mọi năm.
“Năm nào cũng vậy, cửa hàng vẫn phải dự trữ hàng cho Tết. Năm nay hàng bán không tăng so với năm ngoái, nhưng vẫn phải tích trữ hàng để Tết phải có hàng bình ổn đưa ra thị trường, không để thiếu nguồn hàng thịt heo”, bà Xuyến chia sẻ.
Khônh chỉ hàng nông sản, các mặt hàng thực phẩm Tết như bánh mứt, đồ khô,… cũng được tiểu thương ở chợ Bình Tây (Quận 6) và chợ Tân Bình (quận Tân Bình) nhập về cầm chừng.
Đảm bảo nhu cầu của người dân
Theo Ban Quản lý chợ Bình Tây, lượng hàng tiêu thụ năm nay giảm rất nhiều, khách hàng bán lẻ chỉ còn khoảng 50% nên tiểu thương ngần ngại tích trữ hàng, chủ yếu phục vụ bán sỉ cho các mối khách quen.
Đại diện Ban Quản lý chợ Bình Tây khẳng định, chợ vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng cho nhu cầu của người dân. Ngoài ra, để khôi phục sức mua, chợ Bình Tây sẽ tổ chức đón những đoàn du lịch tham quan cùng nhiều hoạt động kích cầu mua sắm.
“Ban quản lý chợ tổ chức các hoạt động khuyến mãi tập trung, bán hàng giảm giá, tặng quà,…Cùng với đó, Ban quản lý tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc hàng hóa phục vụ cho khách hàng tốt hơn, về lâu dài sẽ kéo theo doanh thu, lượng khách đến chợ tăng lên. Tới đây chợ sẽ tổ chức phiên chợ handmade cùng với một số hoạt động trong dịp Tết”, đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây cho biết.
Theo báo cáo của chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, trong giai đoạn cao điểm trước Tết, lượng hàng nhập chợ bình quân đạt 2.300 tấn/ngày, trong đó rau củ khoảng 1.600 tấn/ngày, trái cây khoảng 310 tấn/ngày, thịt heo 390 tấn/ngày (tương đương 5.000 6.000 con heo/ngày). Các thương nhân có kế hoạch dự trữ hàng hóa tại các kho lạnh xung quanh chợ đầu mối. Nguồn hàng này sẽ được luân chuyển, bổ sung thường xuyên. Trong khoảng 120 mặt hàng đang được kinh doanh tại chợ, số hàng giảm giá nhiều hơn tăng nhưng chênh lệch không đáng kể.
Theo kế hoạch của Sở Công Thương TP.HCM, lượng hàng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024 chiếm từ 25-43% nhu cầu, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản...
Dịp này, Sở Công Thương đã phối hợp UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức triển khai đến Ban quản lý các chợ, tập trung kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh và kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa, kiểm soát giá cả, tập trung tổ chức chương trình khuyến mại, thực hiện kết nối cung cầu.
Hoàng Minh/VOV-TP.HCM