Nhưng đến nay sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trên sàn này còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Sở Giao dịch cần làm gì để trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư?
Đem lại nhiều ích lợi hơn cho người tham gia
Theo ông Phạm Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa sẽ tạo ra nhiều lợi thế như: giao dịch nhanh chóng bằng điện tử; chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể buôn bán với toàn thế giới; giảm thiểu rủi ro cho cả người bán lẫn người mua do có vai trò trung gian của Sở. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không lo sự biến động giá cả của thị trường…
Còn ông Gia Cát Đoàn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Gia Cát Consumer nhận định, vấn đề đầu ra và thiếu hụt nguyên liệu của doanh nghiệp có thể được giải quyết khi tham gia vào Sở Giao dịch hàng hóa. Sở có rất nhiều người bán, người mua, nhà cung cấp và thông tin, từ đó giúp các đơn vị chuẩn bị kỹ hơn và có thêm nhiều lựa chọn mới.
“Nếu trước đây người nông dân, doanh nghiệp mua bán theo kiểu thông thường thì giờ đây thương mại điện tử phát triển thì việc mua bán qua sàn sẽ thuận lợi, minh bạch hơn, được sự quản trị tốt hơn và nắm được xu hướng toàn cầu hơn. Khi đó, những người nông dân và doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nhanh nhất với thế giới và phát triển tốt hơn” - ông Gia Cát Đoàn cho biết thêm.
Trên thế giới, hiện nay, giá trị giao dịch hàng hóa qua sàn chiếm 24% tổng khối lượng giao dịch, riêng ở khu vực châu Á chiếm 56%.
Tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) được Bộ Công Thương thành lập 2010. Tính đến hết tháng 8/2023, Sở đã có hơn 30.000 tài khoản đăng ký và thực hiện giao dịch. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã có 26 mặt hàng thuộc 5 nhóm hàng hóa được giao dịch và kết nối 8 Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Thống kê của 8 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 4.000 tỷ đồng, phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, kết quả đạt được tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) còn thấp so với tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp trong nước chưa mặn mà tham gia, trong khi thế giới hoạt động tại các sở giao dịch hàng hóa đã tấp nập từ rất lâu.
Cần nhiều yếu tố để hoạt động hiệu quả hơn
TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học ứng dụng và Quản lý kinh tế cho rằng, trong khi Việt Nam có thế mạnh về nhiều sản phẩm từ cây công nghiệp, nông nghiệp và thủy hải sản, nhưng MXV chưa có sản phẩm nội địa nào được niêm yết và giao dịch mà chủ yếu là của các sở giao dịch hàng hoá nước ngoài. MXV chưa quy định mã ngành, nghề riêng, gây khó khăn cho nhà đầu tư nên chưa thực sự hoàn chỉnh như ở nhiều quốc gia khác.
Ông Đinh Thế Hiển nêu ý kiến: “Để MXV trở thành một sở giao dịch đúng nghĩa thì phải có ít nhất 5% giá trị giao dịch là giao ngay. Mô hình của sở phải có 2 trung tâm bao gồm trung tâm thanh toán bù trừ và trung tâm giao nhận, trung tâm giao nhận phải có tổng kho. Ví dụ, một nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam giao hàng ra nước ngoài thì cần có lịch giao hàng và chi phí phải thấp hơn bình thường, muốn vậy phải có kho ngoại quan”.
Để tham gia lâu dài trên thị trường hàng hóa thông qua Sở Giao dịch, doanh nghiệp cần được hỗ trợ lâu dài về vốn. Ví dụ, đối với mặt hàng cà phê của Việt Nam, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, khối lượng giao hàng thực tế chỉ chiếm 0,5%, còn 99,5% là buôn bán giấy tờ, cụ thể là hợp đồng mua đi bán lại.
“Tôi nghĩ rằng nếu muốn làm được giao dịch hàng hóa thật và giao ngay, giao dịch hàng hóa phái sinh thì cần vốn lớn. Không có doanh nghiệp nào có đủ vốn đâu. Bởi vậy cần ngân hàng vào cuộc” - ông Lương Văn Tự nói.
Trước đó, tại TP.HCM, Trung tâm giao dịch thuỷ sản Cần Giờ được thành lập vào năm 2002 nhưng đã phải dừng hoạt động sau vài tháng vì nông dân đã quen làm việc trực tiếp với thương lái. Cũng trong năm 2002, Hiệp hội điều Việt Nam thành lập sàn giao dịch hạt điều tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP. HCM nhưng phải dừng hoạt động vào đầu năm 2003.
Từ năm 2008-2012, nhiều sàn giao dịch hàng hóa như như Sàn giao dịch Sacom, Sở giao dịch hàng hoá Info, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột... được thành lập. Nhưng sau đó các sàn này đều đóng cửa do không hoạt động hiệu quả.
Theo ông Vũ Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, cần có cơ chế đảm bảo minh bạch thông tin cho người mua trong tương lai, hỗ trợ các doanh nghiệp bán thiếu nợ trên thị trường. Bởi trên thực tế hiện nay, nhiều nông dân vẫn còn lo ngại khi tiếp cận qua Sở Giao dịch hàng hóa do chưa hiểu biết nhiều, sợ bị lừa đảo hoặc chưa biết các thủ tục pháp lý.
Ông Vũ Khắc Hiệp kiến nghị: “Độ minh bạch là quan trọng, ở đây là thông tin. Ngoài thông tin báo đài còn chưa đủ thì tôi kiến nghị cần có cách gì đó để cung cấp thông tin chuẩn chỉ, khách quan hơn cho các nhà đầu tư. Người ta thấy được thì sẽ đầu tư vào sở mạnh hơn”.
Để tham gia Sàn Giao dịch hàng hóa đạt hiệu quả cao nhất, nhiều chuyên gia cho rằng, những người tham gia cần học hỏi kiến thức, kinh nghiệm về quản trị rủi ro, quản trị tài chính, kỹ năng kinh doanh, thông tin thị trường… đồng thời thường xuyên theo dõi yếu tố thị trường, tình hình cung cầu hay diễn biến chính trị liên quan đến sản lượng, giá cả hàng hóa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức và MVX cần tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ kiến thức cho nhà đầu tư và chung tay xây dựng một bộ tài liệu giảng dạy. Đặc biệt, cần xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia, đảm bảo thị trường phát triển theo đúng định hướng của nhà nước.
Hoàng Minh/VOV-TP.HCM