Cuộc chiến nước mắm bao giờ kết thúc?

Dư luận xôn xao trước Dự thảo TCVN 1260:2019 và coi đây cuộc chiến thứ 2 giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Bao giờ cuộc chiến này kết thúc?

 

Suốt những ngày qua, dư luận xôn xao trước việc Dự thảo TCVN 1260:2019 được đưa ra lấy ý kiến. Sau vụ nhập nhèm thông tin về hàm lượng asen trong nước mắm truyền thống khiến dư luận hoang mang thời gian dài, nhiều người coi đây là cuộc chiến lần thứ 2 giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Bao giờ “cuộc chiến” này kết thúc?

Ngày 8/3/2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Đáng chú ý là một cuộc họp liên quan đến nước mắm nhưng các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cũng như nhiều chuyên gia, nhà khoa học không được mời tham dự. Thậm chí Tiến sĩ Trần Thị Dung chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN&PTNT), người đã từng lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống trong vụ thông tin nước mắm nhiễm asen trước đây, khi biết có cuộc họp đến xin phát biểu còn bị mời ra khỏi họp báo.

Việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ là rất cần thiết đối với tất cả các sản phẩm có mặt trên thị trường. Thế nhưng, từ trước đến nay, Việt Nam đã có đầy đủ các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, từ NAFAQICEF đối với chất lượng thủy sản (bao gồm cá phục vụ sản xuất nước mắm), đến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-16:2012/BNNPTNT quy định về cơ sở sản xuất nước mắm, điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các quy định về công bố chất lượng theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; ghi nhãn hàng hóa theo Luật Quản lý chất lượng hàng hóa, rồi Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh...Vậy thì, ban hành thêm một văn bản nữa liệu có khiến doanh nghiệp bị quản lý chồng chéo, Luật chồng lên Luật, quy chuẩn “dẫm” lên quy chuẩn hay không?

Sản xuất nước mắm truyền thông (Mắm Lê Gia)

 Đã là quy chuẩn thì phải có sự đồng bộ. Vì thế, ngoài quy định về độ đạm, cũng cần có những tiêu chuẩn khác nữa để làm rõ giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, và cũng để từ đó xác định được tên gọi, thương hiệu, giá bán chính xác cho từng sản phẩm, tránh nhập nhèm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền hợp pháp của các nhà sản xuất - dù là nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp. Và đã là Dự thảo, thì khi đưa ra lấy ý kiến phải có sự tham gia của tất cả các bên có liên quan, có quyền và lợi ích liên đới. Vì vậy, khi những người liên quan không được mời, dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về câu chuyện lợi ích nhóm ở đây.

Không chỉ TCVN 1260:2019 đang làm khó các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, mà ngay cả tiêu chuẩn về hàm lượng histamine do Codex Việt Nam cùng Codex Thái Lan (hai nước sản xuất nước mắm lớn nhất thế giới) quy định cũng đang là rào cản khiến nước mắm truyền thống Việt Nam khó vươn ra thị trường thế giới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đang nhường thị phần cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm Thái Lan. Và những chai nước mắm mang tên Phú Quốc được bày bán ở Mỹ, đáng tiếc, lại do doanh nghiệp Thái Lan xuất khẩu.

Dường như khó khăn đối với các nhà sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam không chỉ dừng lại ở đó. Đã hơn 2 năm nay, Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam vẫn không thể thành lập, và cùng lúc đó lại có thêm một Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam ra đời dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế. Mặc dù theo công văn số 1791/BTP-PLHSHC của Bộ Tư pháp gửi Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới là “Bộ quản lý Nhà nước về chuyên ngành có trách nhiệm công nhận Ban Vận động thành lập hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam”.

Trước những sóng gió liên tục xảy ra đối với nước mắm truyền thống liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhiều người lo ngại, nghề nước mắm truyền thống sẽ sớm mai một khi các tiêu chuẩn ngày càng mang tính máy móc, công nghiệp như quy định về thùng đựng phải có màu sáng, không có lớp váng bề mặt…Nếu như điều đó xảy ra, thì cái mất đi không phải chỉ là việc làm của hàng vạn lao động vạn chài, không phải chỉ là vài chục thương hiệu nước mắm gắn với chỉ dẫn địa lý của từng địa phương, mà còn mất đi một nét văn hóa ẩm thực thuần Việt, không thể pha tạp, không thể lãng quên.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận