Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Chặn 'sân sau', giảm nợ xấu

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua hôm nay (18/1/2024). Luật gồm 15 chương, 210 điều và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.

 

Việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) góp phần lấp đầy những lỗ hổng trong quản trị hệ thống ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý để hoạt động tín dụng, tiền tệ an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn. Những quy định mới trong luật nhằm hạn chế tình trạng thao túng, tiêu cực, “sân sau’’, kiểm soát rủi ro, từ đó bảo vệ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các chủ thể khác liên quan đến lĩnh vực này.

Lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần này bảo đảm kịp thời và đồng bộ trong hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu.

“Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được kéo dài nhưng hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Như vậy khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu đã và đang gia tăng. Tôi rất mong các bộ ngành và địa phương sớm bắt tay thực hiện luật”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo ông Cấn Văn Lực, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp cho nhiều vướng mắc trong hoạt động ngân hàng hiện nay được tháo gỡ; góp phần kiến tạo khung pháp lý để phát triển một số dịch vụ ngân hàng mới như ngân hàng điện tử, ngân hàng số, cơ chế thử nghiệm cho các hoạt động Fintech (công nghệ tài chính)…

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ngăn sở hữu chéo, cản chi phối thao túng ngân hàng

Chuyên gia kinh tế cũng đánh giá việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua giúp hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, đồng thời phòng ngừa được hiện tượng gian lận, lừa đảo đối với người vay tiền. Đồng thời giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chia sẻ trên BNews, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) Nguyễn Đức Độ cho rằng, khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Các điểm mới của Luật có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

Về một số quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh quy định việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin, trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nâng cao hiệu quả phối hợp với bộ, ngành có liên quan, đồng thời có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để hạn chế sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng, luật vừa thông qua đã điều chỉnh quy định về giảm tỷ lệ sở hữu với tổ chức, cá nhân và người liên quan (trừ quỹ tín dụng nhân dân); giảm giới hạn tín dụng để cho phép các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực theo lộ trình.

Ngoài bổ sung quy định công khai thông tin với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, các quy định về tài chính, báo cáo tài chính (vốn, doanh thu, chi phí, lãi phải thu), dự phòng rủi ro… cũng được đưa Luật vào nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, tổ chức tín dụng phát triển bền vững, phù hợp chuẩn mực quốc tế về tài chính, kế toán, bà Yến cho hay.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua quy định về:

Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng;

Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;

Việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

Trần Ngọc/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận