Giấc mơ bán dẫn

  • 24/01/2024 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Tập đoàn FPT cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài hay Tập đoàn Viettel đã chế tạo thành công chip 5G đầu tiên 'Made in Vietnam' đã ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu và mở ra kỷ nguyên công nghệ với giấc mơ bán dẫn.

 

Chip bán dẫn là “xương sống” của kỷ nguyên công nghệ. Nhiều nước muốn làm chủ công nghệ này, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Việc Tập đoàn FPT cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài hay Tập đoàn Viettel đã chế tạo thành công chip 5G đầu tiên “Made in Vietnam” đã ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu và mở ra kỷ nguyên công nghệ với giấc mơ bán dẫn.

Chip - “xương sống” của kỷ nguyên công nghệ

Nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, chip bán dẫn là thành phần cốt lõi cực kỳ thiết yếu trong tất cả các thiết bị điện tử, từ điện thoại, CPU máy tính, cho đến tivi, tủ lạnh và ôtô, máy bay… Vì thế nhiều nước muốn làm chủ công nghệ này, Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Năm 2022, doanh số chip bán dẫn toàn cầu vượt mốc 600 tỷ USD. Tổng doanh số ngành vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ vào năm 2023. Năm 2024 dự báo nhu cầu chip trên toàn thế giới tăng đáng kể, một số mảng như chip nhớ tăng 25%. Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết: quy mô thị trường công nghiệp điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Ngành công nghiệp điện tử phát triển lớn mạnh là đầu ra cho con chip.

Sản phẩm chip do Viettel làm chủ thiết kế. Nguồn Viettel cung cấp

Theo thống kê chưa chính thức, Việt Nam nhập hơn 6 tỉ USD tiền chip hằng năm và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... đến đầu tư. Năm 2023, các hãng điện tử lớn như Samsung, LG, Foxconn... xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam. Vì thế phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn được xem là lĩnh vực then chốt, có thế mạnh và mang lại giá trị cao mà Việt Nam đang hướng đến. Với những lợi thế này, Việt Nam có dư địa và cơ hội khai thác tiềm năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Ai nắm được AI và bán dẫn có thể dẫn dắt cuộc chơi công nghệ. Không bỏ lỡ làn sóng ấy, từ 10 năm trước FPT đã tham gia cuộc chơi này. Nhưng con đường bước vào thị trường chip bán dẫn của FPT không rải đầy hoa hồng, mà phải đổ nhiều mồ hôi, công sức. Chia sẻ về quãng thời gian đó, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho hay: FPT nuôi khát vọng giỏi phần mềm nhưng dẫn đầu cả phần cứng: Nghiên cứu để làm máy tính, điện thoại… từ nhiều năm trước và không thể thiếu con chip. Quá trình nghiên cứu làm ra con chip có nhiều khó khăn. Đến khi làm ra con chip vẫn không hết khó khăn và càng thách thức hơn khi đưa chip “Made in Việt Nam” ra nước ngoài. “Năm 2018, tại Nhật Bản, FPT xây dựng nhóm có 43 người, tại Việt Nam 64 người để làm chip, nhưng gặp nhiều có khăn. Có giai đoạn chỉ còn hơn 30 anh em bám trụ để đưa con chip vào thị trường khó tính bậc nhất này. Chúng tôi đã đổ nhiều mồ hôi và công sức…”, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa nói.

Sau 10 năm nghiên cứu và sản xuất chip, đến tháng 9/2022, FPT đã cho ra đời dòng chip đầu tiên và có hợp đồng 25 triệu chip bán cho khách hàng Úc. Mới đây, FPT Semiconductor công bố đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 - 2025 trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử. Đồng thời FPT khẳng định có thể thiết kế ra dòng chip nguồn có giá cạnh tranh so với những hãng lớn trên thế giới. Việc cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài đã đưa FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt “doanh thu tỷ đô” từ xuất khẩu phần mềm, ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình:

“Ngành bán dẫn có nhiều điểm đặc biệt. Năm 1960 ngành bán dẫn phát triển tại Mỹ, sau đó đến những năm 1970 chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan. Nhưng đến ngày hôm nay rất cần ngành bán dẫn mà lực lượng lao động đặc biệt là thanh niên ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại không muốn làm ngành này, vì ngành này phát triển nhanh, làm việc vất vả. Trong khi đó thanh niên Việt Nam rất thích làm ngành này. Để thu hút lực lượng vào ngành này phải mở ra cơ hội để thanh niên được làm việc tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành”.

Thay đổi vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới

Sau 5 năm nghiên cứu và phát triển, năm 2023 Viettel High Tech đã nghiên cứu chế tạo thành công chip 5G DFE  đầu tiên “Made in Vietnam” và sẵn sàng cho sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp tiếp theo. Sản phẩm chip đầu tiên này do kỹ sư của công ty làm chủ hoàn toàn thiết kế, được tích hợp công nghệ AI. Mẫu chip có năng lực xử lý 1.000 tỷ phép tính mỗi giây – “khiêm tốn” hơn các sản phẩm đời mới với khả năng tính toán gấp hàng chục lần, nhưng là con chip phức tạp nhất từ trước đến nay do người Việt tự thiết kế. Chip 5G do Viettel làm chủ thiết kế hoàn toàn có mức độ phức tạp cao (hàng trăm triệu transistor) và được công nhận bởi các đối tác hàng đầu thế giới như Synopsys. Đây là bước tiến quan trọng cho ngành vi mạch của Việt Nam, cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, làm chủ công nghệ, tự chủ về nguồn cung chip, tạo ra lợi thế cạnh tranh về lâu dài. Với sự thành công của những dòng chip cao cấp này, Viettel tự tin làm chủ thiết kế hệ sinh thái chip đa dạng và tiên tiến (AI, 5G, IoT, 6G…) cho Việt Nam và quốc tế.

Thời điểm mà Tập đoàn Viettel quyết định đến với chip đó là khi mạng 5G đi vào hoạt động, các nhà cung cấp thiết bị điện tử lớn trên thế giới như Huawei, Nokia… đều đã tự sản xuất chip nên thị trường bị co lại. Thị trường không có chip phù hợp cho mạng thế hệ mới, buộc các công ty của Việt Nam phải tự xoay xở. Trước bối cảnh này, Viettel phải tự làm chip vì trên thị trường không còn chip phù hợp cho mạng 5G. Việc tự phát triển chip là điều bắt buộc nếu muốn tự chủ và cạnh tranh ở mảng thiết bị 5G. Làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế là bước quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm chip 5G thương mại. Đây là tiền đề để Viettel tiến đến sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT trong tương lai. Từ những kết quả trên, Viettel High Tech đã có những thành quả bước đầu với Synopsys (Mỹ) - Tập đoàn sản xuất phần mềm chip hàng đầu ngành công nghiệp bán dẫn.

Sản phẩm chip do Viettel làm chủ thiết kế. Nguồn Viettel cung cấp

Với những đóng góp kể trên, FPT, Viettel đã đưa Việt Nam trở thành top 3 nước xuất khẩu chip sang Mỹ. Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Lượng chip sản xuất từ Việt Nam chiếm hơn 10% chip bán dẫn xuất khẩu vào Mỹ, với doanh số tăng gần 75% từ 2022 - 2023. Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu hàng điện tử của thế giới. Với thế mạnh sẵn có này, Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới.

Sản phẩm chip do Viettel làm chủ thiết kế. Nguồn Viettel cung cấp

Với quyết tâm và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, những doanh nghiệp như FPT và Viettel đã góp phần thay đổi vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới, từng bước biến giấc mơ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn thành sự thật.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận