Cần thận trọng khi đề xuất bỏ độc quyền, lập sàn giao dịch vàng

Thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, nhưng không phải mục tiêu chính.

 

Vấn đề là chúng ta phải chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường vàng, như một phần của hoạt động tài chính tiền tệ.

Trong một tọa đàm kinh tế mới đây, nhiều ý kiến đề nghị các giải pháp để kéo giảm khoảng cách giá giữa vàng thế giới với vàng trong nước. Trong đó, đáng chú ý là xóa bỏ thế độc quyền kinh doanh vàng miếng và lập sàn giao dịch vàng.

PV: Thưa ông, trước đề xuất bỏ thế độc quyền kinh doanh vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC, ông có nhận định như thế nào?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, chính vàng SJC là thương hiệu coi là quốc gia, có biện pháp nghiêm ngặt trong việc quản lý, cũng như bảo quản, và từ đó, được người mua bán, nhà đầu tư, nhà đầu cơ coi là loại vàng đáp ứng được các yêu cầu: Vừa tin tưởng chất lượng, vừa đảm bảo an toàn trong quá trình mua bán.

Việc đong đo loại tài sản này trở nên đơn giản, tạo được sự tin tưởng trong quá trình lưu thông. Lượng người cần mua để giữ tài sản của mình, nhà đầu cơ cũng rất thích. Vì thế, dẫn đến vàng SJC có giá trị lớn.

Nếu trước mắt, chúng ta gia tăng lượng vàng SJC thì giá so với thế giới sẽ lập tức bớt chênh lệch. Nhưng về lâu về dài, nếu chúng ta sử dụng chứng chỉ vàng như một hàng hóa thay thế cho vàng vật chất, thì việc mua bán trên tài khoản, trên thị trường cũng đảm bảo rất nhanh chóng, đơn giản.

Lúc đó, việc phụ thuộc vào một thương hiệu vàng thực chất nào đó sẽ giảm tối đa.

PV: Vậy còn đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, nhưng không phải mục tiêu chính. Vấn đề là chúng ta phải chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường vàng, như một phần của hoạt động tài chính tiền tệ.

Từ đó, làm sao cho việc quản lý vàng vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhà nước, là tránh vàng hóa nền kinh tế, tránh đưa vàng vào một loạt tiền tệ trong thị trường, đồng thời đảm bảo yêu cầu sản xuất, sử dụng vàng trong dân. Từ đó, tạo ra thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng.

Đây là mục tiêu chúng ta cần hướng tới, thay vì chỉ đơn thuần lập sàn giao dịch vàng.

Một điều nữa, thị trường vàng cũng cần hướng đến việc làm cho hoạt động mua bán, sản xuất, kinh doanh vàng theo hướng của thế giới. Tức là, chúng ta có hoạt động kinh doanh, mua bán dựa trên chứng chỉ mang tính quốc tế.

Từ đó, giảm thiểu tối đa việc sử dụng vàng trong thực tế. Đó là điều cần hướng đến trong thời gian tới.

Thị trường vàng cũng cần hướng đến việc làm cho hoạt động mua bán, sản xuất, kinh doanh vàng theo hướng của thế giới.

PV: Hiện nay, có số lượng lớn vàng nằm bất động trong két của người dân. Có ý kiến cho rằng, cần đánh thức tiềm năng giao dịch, lưu thông của khối tài sản này để kích thích tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông thì sao?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta nên sử dụng hình thức vàng chứng chỉ, thay vì sử dụng vàng thực chất. Đó là điều rất quan trọng, để từ đó, người dân có thói quen mua bán vàng chứng chỉ, khỏi sử dụng vàng thực chất trong cuộc sống, nhưng vẫn đảm bảo được quyền của họ trong tiết kiệm tiền, tài sản, đảm bảo nó được thanh toán thông qua cơ chế Nhà nước đã ban hành và quản lý chặt chẽ.

Nếu chúng ta xây dựng được hoạt động mua bán vàng chứng chỉ thì cũng “đánh thức” được lượng vàng trong dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chu Đức/VOV Giao thông

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận