Kịch bản nào cho lạm phát 2024

  • 01/02/2024 09:30:00
  • VOV.giaothong.vn
  • Kinh tế
  • 0

2023 được đánh giá là một năm kiểm soát lạm phát thành công.

 

Với mục tiêu Quốc hội đề ra cho lạm phát của năm 2024 ở mức 4 - 4,5%, việc kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu liệu có dễ dàng trước dự báo giá hàng hoá thiết yếu sẽ tăng trong năm? Kịch bản nào cho lạm phát năm nay?

CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với bình quân năm 2022, thành công này có ý nghĩa khi đây là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Chỉ tiêu lạm phát luôn có mối quan hệ chặt với các chỉ số của kinh tế vĩ mô.

Theo các chuyên gia, nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Đây là yếu tố kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết thêm: "Triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024 chúng tôi xây dựng rất chi tiết hai kịch bản tăng trưởng GDP: có thể trong khoảng 6,13 % trong kịch bản bình thường, nếu tích cực hơn thì có thể được gần 6,5%. Lạm phát bình quân trong kịch bản một là gần 4%, nếu làm tốt hơn nữa, gắn với cải cách thể chế kinh tế và tăng năng suất lao động thì có thể chỉ khoảng 3,77% thôi".

Theo dự đoán của các cơ quan chức năng như Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn. Bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng tiếp tục được thực hiện trong năm 2024...

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng trường đại học kinh tế, tài chính dự báo về lạm phát của Việt Nam trong năm 2024: "Trong trường hợp kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng tốt thì lạm phát khoảng 3%, còn trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, giá nguyên vật liệu giảm thì chỉ rơi vào khoảng 2.5-3%, áp lực lạm phát là không lớn vì chúng ta phải tin tưởng ở bối cảnh hiện tại, chính sách kiểm soát lạm phát của NHNN trong 10 năm qua là rất thành công".

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát như giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, việc thực hiện điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ tác động làm tăng CPI.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao. Việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024 sẽ kéo theo tăng giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình. Cùng với đó, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào Tết Nguyên đán và sau Tết.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh phân tích: "Năm 2023 mặc dù chỉ số giá bình quân chỉ tăng 3,25% nhưng nếu chúng ta loại bỏ yếu tố nhiên liệu và thực phẩm thì lạm phát lõi, lạm phát cơ bản vẫn trên 4%, như vậy lạm phát do yếu tố tiền tệ cần được quan tâm năm 2024, khi có 2 yếu tố đấy cung tiền tăng cao là giải ngân đầu tư công và tăng tín dụng với chỉ tiêu giao đầu năm lên đến 15%".

Các dự báo về lạm phát năm 2024 đều chưa tính đến việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ điều hành theo lộ trình thị trường. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí, sẽ tác động mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng năm 2024.

Do đó, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát để sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá, tránh bị động trong phối hợp chính sách.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: "Trong nước có một số yếu tố gia tăng áp lực lạm phát như điều chỉnh dịch vụ công, điều chỉnh chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như tiền lương tối thiểu, một số khoản thuế, phí giảm ưu đãi, giá cả, sức lao động có thể tăng lên".

Giới phân tích cho rằng, năm 2024, việc kiểm soát lạm phát không gặp áp lực quá lớn song vẫn cần cẩn trọng với nhiều yếu tố khó dự đoán.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhìn nhận, năm 2024, lạm phát có chiều hướng thuận nhiều hơn. Hai kịch bản lạm phát được đưa ra dựa theo dự báo về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024:

"Một là nếu kinh tế thế giới tăng trưởng chậm rồi kế hoạch xuất nhập khẩu gặp khó khăn mặc dù chúng ta vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng mức tăng trưởng của chúng ta chỉ nằm trong khoảng 5,7-6,5% thôi thì lạm phát khoảng 3,2-3,5%. Còn với tình hình như thời điểm hiện tại, kinh tế VN trong năm 2024 có thể đạt mốc tăng trưởng từ 6,3-7% và lạm phát ở khoảng 3,5 – 3,7%. Đó là chúng ta tính toán cả tác động của việc tăng lương và một số dịch vụ công trong giáo dục, đào tạo, y tế".

Mặc dù xu hướng giảm lạm phát diễn ra trên diện rộng ở Việt Nam, áp lực giá vẫn chưa hoàn toàn mất đi. Rủi ro tăng lạm phát do năng lượng và thực phẩm vẫn còn khi những mặt hàng này chiếm tỷ trọng khá lớn trong việc tính toán lạm phát. Do đó giới phân tích cho rằng, năm 2024, việc kiểm soát lạm phát không gặp áp lực quá lớn song vẫn cần cẩn trọng với nhiều yếu tố khó dự đoán.

Như Ngọc - Thùy Linh/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận