Bộ Xây dựng cho biết, năm 2023 các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn, có gần 5.000 DN phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn. Trong khi số DN bất động sản thành lập mới chỉ khoảng 4.700 DN.
Hiện nay, DN đầu tư kinh doanh bất động sản đối đầu với 3 khó khăn, thách thức lớn. Đó là vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố, nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.
Quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên. Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng gây ra nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng triển khai.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Phương Đông cho rằng, giải pháp hiện nay là một mặt ngân hàng nên giảm lãi suất để tăng nhu cầu vay vốn của DN. “Quan trọng hơn là phải tìm kênh xử lý vốn phù hợp, bởi vì đối với dự án bất động sản để đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mất rất nhiều thời gian. Do đó cần giải pháp đồng bộ và nới lỏng hơn”, ông Tuấn nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và những hành động cụ thể của các địa phương, nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ. Tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Sau khi Quốc hội thông qua một số Luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản, niềm tin của DN và nhà đầu tư đang quay trở lại. Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các DN bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.
Bà Hoàng Thu Hằng, Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2.
“Điều này cho thấy nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản vẫn lớn. Hiện nay đang có xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang phân khúc bất bất động sản công nghiệp, giá bất động sản trên thực tế cũng đang tăng cao”, bà Hằng dẫn chứng.
Thành Trung/VOV1