Có hay không việc “lobby” chính sách?
Ngay sau khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa Dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” để lấy ý kiến thì nhiều chuyên gia đã phát hiện những tiêu chuẩn không phù hợp, phản ánh sai lạc, “đánh lận con đen”, gây bất lợi cho nước mắm truyền thống.
Không ít doanh nghiệp cho rằng, Dự thảo có nhiều nội dung mang tính chất “bóp nghẹt” các cơ sở nước mắm truyền thống. Nhiều người ví đây như là “cuộc chiến nước mắm” phiên bản mới, sau vụ bê bối “nước mắm nhiễm asen” năm 2016. Thậm chí không ít người đã đặt câu hỏi có hay không việc “lobby” chính sách để phục vụ “lợi ích nhóm”? Câu hỏi này không phải không có cơ sở khi nước mắm công nghiệp đang chiếm giữ 70% thị phần nước mắm của cả nước. Nên việc cố “lobby” chính sách để thay đổi tiêu chuẩn nước mắm Việt Nam theo hướng có lợi cho mình nhằm “đánh đồng” nước mắm với nước mắm pha chế công nghiệp hay nước chấm công nghiệp là có cơ sở.
Lobby” chính sách không còn xa lạ ở Việt Nam và nó đang ngày trở nên công khai hơn. Hiện tượng “lobby” chính sách, vận động hành lang đã được nhiều chuyên gia nhắc đến. Thực tế, có không ít chủ trương, chính sách,… được các tập đoàn kinh tế lớn “lobby” để “đẻ” ra thông tư, dự thảo để rồi thông tư, dự thảo này “bẻ gãy” cả luật. Câu chuyện “lobby” chính sách gần đây nhất được dư luận quan tâm, báo chí dẫn chứng là thị trường ô tô. Bằng việc duy trì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp FDI đã “cầm trịch” thị trường ô tô trong nhiều năm, với rất nhiều “đặc quyền” về thuế và lệnh cấm nhập khẩu. Câu chuyện này chỉ dừng lại khi tỷ lệ nội địa hóa quá thấp dù được hưởng rất nhiều ưu đãi.
Hay câu chuyện giá sữa đã từng “tung hoành ngang dọc” mà Luật Giá cũng không thể “với tới” được bởi đằng sau nó có sự can thiệp vào chính sách giá. Và mọi việc chỉ chấm dứt khi thông tin lật tẩy về thực chất giá sữa ngoại 1 vốn 9 lời được truyền thông tung ra.
Quay lại Dự thảo nước mắm, có thể nói, đây không phải là lần đầu tiên nước mắm truyền thống bị tấn công bởi doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp. Còn nhớ, năm 2016, doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp đã mượn tay Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) để đưa ra thông báo về nước mắm truyền thống có chứa asen, khiến người sản xuất nước mắm truyền thống lao đao. Sau đó, cơ quan chức năng đã chỉ rõ Công ty truyền thông T&A Ogilvy trực tiếp chi tiền cho Vinastas để tiến hành cuộc khảo sát và công bố thông tin sai sự thật về “nước mắm nhiễm thạch tín”. Sự thật này khiến nhiều người nghi ngờ Công ty truyền thông T&A Ogilvy chỉ là bình phong. Bởi T&A Ogilvy không dùng tiền của mình để tạo ra chiến dịch truyền thông nhằm triệt hạ nước mắm truyền thống. Họ chỉ là nhà tư vấn và tổ chức truyền thông cho khách hàng của họ. Mặc dù vẫn chưa chỉ ra đích danh doanh nghiệp nào đứng đằng sau vụ nước mắm nhiễm asen xảy ra năm 2016, nhưng dư luận ai cũng hiểu đứng đằng sau là một doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp khổng lồ với thị phần rất lớn.
Tách bạch tiêu chuẩn nước mắm truyền thống/nước mắm công nghiệp
Vậy câu hỏi ở đây tại sao nước mắm truyền thống lại liên tục bị tấn công? Câu trả lời thật đơn giản đó chính là lợi nhuận kếch xù mà doanh nghiệp nước mắm, nước chấm công nghiệp thu được nếu đánh tráo khái niệm nước mắm truyền thống với nước mắm, nước chấm công nghiệp.
Vậy lợi nhuận của nước mắm, nước chấm công nghiệp như thế nào nếu đánh tráo được khái niệm nước mắm truyền thống và công nghiệp? Để có câu trả lời cho câu hỏi này, phóng viên đã tìm hiểu thị trường nước mắm. Trên thị trường giá trung bình của nước mắm nam ngư loại 500ml giá 23.000 đồng/chai, loại 750ml giá 31.900 đồng/chai, loại 900 ml có giá 40.000 đồng/chai rẻ hơn so với nước mắm truyền thống. Song, các chuyên gia về nước mắm khẳng định, tuy rẻ mà không rẻ bởi vì nếu so sánh về độ đạm và giá bán thì người tiêu dùng đang mua nước mắm công nghiệp theo giá rất cao so với nước mắm truyền thống. Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết đã từng thẳng thắn cho biết trên báo chí, nước mắm công nghiệp sử dụng nước mắm truyền thống để pha chế, 1 lít nước mắm truyền thống pha chế được khoảng 5 lít nước mắm công nghiệp bằng cách cho thêm phụ gia, hương liệu, chất tạo màu, bảo quản ...
Nếu Dự thảo TCVN 1260: 2019 được thông qua, kịch bản như vụ nước mắm nhiễm asen, hay nước chấm có chất gây ung thư 3-MCPD đã từng xảy ra trước đây sẽ được lặp lại. Sẽ có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ về Chin-su, Nam Ngư không bị nhiễm các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, được chế biến trong các thiết bị inox... ra đời. Và nước mắm truyền thống nhanh chóng bị nước mắm công nghiệp “bóp chết” để chiếm lĩnh thị phần. Khi đó, hàng nghìn hộ nông dân sản xuất nước mắm truyền thống sẽ đi đâu, về đâu?.Tính theo thông tin mà đại diện Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cung cấp, một lít nước mắm nguyên chất được nhà sản xuất nước mắm công nghiệp thu mua với giá 40.000 đồng rồi pha chế thành 5 lít nước mắm công nghiệp và bán với giá 40-46.000 đồng/lít. Chỉ làm một phép tính nhẩm thì lợi nhuận mà nước mắm công nghiệp thu về gấp 5 lần so với nước mắm truyền thống. Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 250 triệu lít nước mắm, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 70% thị phần cả nước, thì số tiền thu được từ nước mắm công nghiệp lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều này lý giải tại sao, nước mắm truyền thống liên tục bị nước mắm công nghiệp tấn công.
Trước tình trạng này, mới đây, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang đã có kiến nghị “dừng hẳn” chứ không chỉ là “tạm dừng” thẩm định Dự thảo “TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm”. Vì nó có nguy cơ gây bất lợi cho nước mắm truyền thống, đe dọa triệt tiêu nước mắm truyền thống. Hiệp hội Nước mắm Nha Trang cho rằng, nước mắm truyền thống cũng cần phải có một bộ tiêu chuẩn riêng để phân biệt với nước chấm công nghiệp. Việc xây dựng tiêu chuẩn cho nước mắm là cần thiết. Tuy nhiên, phải có 2 bộ tiêu chuẩn riêng biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm, nước chấm công nghiệp.
Như vậy có thể nói, việc nghiên cứu đề ra tiêu chuẩn là cần thiết nhưng phải phù hợp thực tiễn và tính đến yếu tố truyền thống, lịch sử... không thể có tiêu chuẩn sản xuất chung cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Để minh bạch và tránh nhóm lợi ích có thể chi phối chính sách, cơ quan quản lý cần phân tích chính sách, đánh giá tác động tới các nhóm xã hội... có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng “đi đêm” của một vài nhóm lợi ích.