Kỳ vọng tích cực vào thị trường bất động sản năm 2024

Đã có hàng trăm dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 43.800 căn được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm 2024 này.

 

Bộ Xây dựng cho biết, đã có hàng trăm dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 43.800 căn được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm 2024 này và cũng là năm kỳ vọng “bùng nổ” các dự án nhà ở xã hội.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương bắt tay vào công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết, đảm bảo các mục tiêu KT-XH đã đặt ra.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký ban hành Chỉ thị về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới.

Trong bối cảnh thị trường địa ốc còn nhiều khó khăn, BĐS công nghiệp năm nay vẫn sẽ là điểm sáng với nhu cầu lớn, giá thuê tăng. Đây là dự báo của nhiều đơn vị về thị trường bất động sản công nghiệp năm 2024.

Còn theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhà phố, BĐS công nghiệp và chung cư được dự báo là kênh hút vốn đầu tư năm nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan bắt tay ngay vào công việc, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ ngày 15/2, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tháng sẽ được điều chỉnh theo thông tư mới đây của Bộ LĐ-TB&XH. Với việc điều chỉnh này, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, theo công thức tính lương đã đề cập, mức lương hưu cũng sẽ tăng theo. Việc tăng này nhằm đảm bảo lương hưu không bị trượt giá so với giá cả tiêu dùng.

Theo phương án cải cách tiền lương, từ 1-7, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Giá-xăng dầu vừa tăng trong kỳ điều hành mới nhất. Theo đó, với mức tăng từ 600-700 đồng, giá xăng RON 95 tăng mạnh, lên sát mốc 24.000 đồng/lít.

Cụ thể, giá mới của mỗi lít xăng RON95 là 23.910 đồng, xăng E5 là 22.830 đồng, dầu diesel là 21.360 đồng.

Thông tin chứng khoán

Ảnh minh họa: Vneconomy

Sóng cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dâng cao giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm trong phiên giao dịch đầu năm Giáp Thìn, lên 1.202,5 điểm.

Dòng tiền bị hút vào cổ phiếu ngân hàng khiến cho các ngành khác giao dịch khá ảm đạm. Dễ thấy nhất là ở nhóm chứng khoán. Ở nhóm bất động sản, sắc xanh là chủ đạo.

Theo SSI Reseach, toàn sàn HoSE có 321 mã tăng giá, 81 mã đứng giá tham chiếu và 153 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức khá cao, đạt 18.620 tỷ đồng.

Kỳ vọng tích cực vào thị trường bất động sản năm 2024

Năm 2023 đã chứng kiến phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn về vốn do ngân hàng kiểm soát chặt điều kiện cho vay. Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường bị giảm sút, khiến việc huy động vốn ứng trước để triển khai dự án bị thiếu hụt, nguồn cung nhà ở mới giảm sút nghiêm trọng.

Bộ Xây dựng cho biết, đã có hàng trăm dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 43.800 căn được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm 2024 này và cũng là năm kỳ vọng “bùng nổ” các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu về số dự án, với 20 dự án, quy mô 4.500 căn hộ. Bắc Ninh dẫn đầu về số lượng căn hộ, với 6.000 căn tại 5 dự án.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, phân tích: "Chính phủ đã chỉ đạo là phải xử lý cái khó mà có lẽ khó quan trọng là các thủ tục phát triển nhà xã hội. Theo đó, tháo gỡ về đối tượng mua nhà ở xã hội. Vướng mắc này đang được Chính phủ đã và đang chỉ đạo để xử lý tháo gỡ trong năm 2024. Chúng tôi hy vọng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sẽ là những sản phẩm chủ đạo của thị trường bất động sản 2024. Nếu đi đúng kịch bản này thì thị trường sẽ có nhiều giao dịch, hoạt động của thị trường sẽ tăng trưởng tốt hơn rất nhiều".

Theo các chuyên gia thị trường, việc các địa phương tích cực đăng ký hoàn thành xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng như các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản chủ động tham gia phát triển phân khúc này là tín hiệu đáng mừng của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn thách thức lơn mà doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản phải đối đầu. Đó là vướng mắc về pháp lý dự án, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng gây ra nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng triển khai. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Phương Đông cho rằng: "Giải pháp hiện nay theo tôi là một mặt Ngân hàng nên giảm lãi suất để tăng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Quan trọng hơn là chúng ta phải tìm kênh xử lý vốn phù hợp, bởi vì đối với dự án bất động sản để đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, huy động vốn của các tổ chức tín dụng thì mất rất nhiều thời gian. Do đó cần giải pháp đồng bộ hơn và nới lỏng hơn".

Theo nhận định của các chuyên gia, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và những hành động cụ thể của các địa phương, nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ. Tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Sau khi Quốc hội thông qua một số Luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư đang quay trở lại. Bà Hoàng Thu Hằng, Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: "Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2. Như vậy cho thấy, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản vẫn lớn. Hiện nay đang có xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang phân khúc bất bất động sản công nghiệp. Giá bất động sản trên thực tế cũng đang tăng cao".

Dù không trực diện như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay Luật Đất đai sửa đổi, nhưng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, Luật các tổ chức tín dụng có tác động quan trọng tới thị trường bất động sản. Một trong những nội dung quan trọng là Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ có tác dụng lớn trong việc ngăn chặn việc định giá khống. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đề ra các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động tín dụng bất động sản, tránh bị “vênh” giữa nhận thế chấp tài sản và xử lý nợ là dự án bất động sản.

Tính đến cuối tháng 11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm trên 21,5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Việc điều tiết dòng vốn để thị trường bất động sản sớm ổn định, phát triển trở lại là nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ với riêng lĩnh vực bất động sản, mà còn là của cả sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng: "Khi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực thực thi từ giữa năm 2024 sẽ giải quyết được khá nhiều vấn đề. Riêng lĩnh vực bất động sản thì tôi cho rằng sẽ khắc phục được sự méo mó trong nguồn cung cho tín dụng bất động sản. Giảm được hiện tượng doanh nghiệp “sân sau” trong quan hệ giữa doanh nghiệp bất động sản với các tổ chức tín dụng. Khi xử lý được vấn đề này thì tôi cho rằng sự tiếp cận của các doanh nghiệp bất động sản bình thường khác sẽ dễ dàng hơn với các tổ chức tín dụng".

Trong năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực giải quyết các nút thắt lớn trên thị trường bất động sản và đã xuất hiện những kết quả tích cực. Nhiều bộ luật sửa đổi được thông qua hướng thị trường đến chu kỳ phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, có thể thị trường sẽ thay đổi nhịp độ tăng trưởng khi các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích nghi với sự chuyển biến của môi trường đầu tư./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận