Nông sản Việt chinh phục nhiều thị trường khó tính
Tỉnh An Giang vừa công bố xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép sang Hàn Quốc, tạo phấn khởi cho nông dân trồng xoài đầu năm mới Giáp Thìn 2024 nói riêng và cả nước nói chung. Sự kiện này khẳng định hướng đi đúng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị của người dân.
Theo thông tin từ Sở NN-PTNT An Giang, 13 tấn xoài hạt lép sản xuất theo hướng an toàn của Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) được Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (trụ sở tại tỉnh Long An) mua để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên xoài hạt lép của tỉnh An Giang xuất sang Hàn Quốc. Lô xoài hạt lép xuất khẩu là xoài tượng da xanh, có trọng lượng 3 - 4 trái/kg, được Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit mua với giá 32.000 đồng/kg, trong khi giá xoài thị trường chỉ hơn 20.000 đồng/kg. Đây là loại xoài có trọng lượng nhỏ và hạt lép nên được gọi xoài hạt lép.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, để trái xoài của An Giang xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Hàn Quốc và chinh phục các thị trường khác trên thế giới là cả sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt là của hợp tác xã và nông dân huyện Chợ Mới. Đây còn là cả quá trình hơn 10 năm đàm phán gian nan nhiều thử thách. Xoài phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, về thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn chiếu xạ…
Không chỉ xoài mà đầu năm mới nhiều lô hàng xuất khẩu sầu riêng đã lần lượt được các thị trường quốc tế đón nhận. Ngay từ đầu tháng 1/2024 xuất khẩu sầu riêng đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, lượng sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy xuất khẩu cũng tăng mạnh. Dự báo xuất khẩu loại trái cây này tiếp tục tăng mạnh năm 2024.
Hiện đã có 876 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, dự báo năm 2024, sầu riêng tiếp tục lập kỷ lục về xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022
Theo đại diện Bộ Công Thương, năm 2024, thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam - nền kinh tế có độ mở lớn - trong thời gian tới.
Song với sự nỗ lực của người dân và các cấp chính quyền, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2024 tăng tới 42%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022. Có thể coi là khởi đầu tốt, kỳ vọng thắng lợi lớn của xuất khẩu năm 2024.
Nhóm hàng nông, thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, ước đạt 274 triệu USD; tiếp đến là rau quả tăng 24,9%, ước đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%; cà phê, gạo, hạt tiêu tăng nhẹ từ 2 - 3,5% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 01/2024 tiếp tục tăng.
Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Trần Thanh Hải nhận định, năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.
Song, ông Trần Thanh Hải cho rằng, xuất khẩu Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Các doanh nghiệp trong nước tiếp tục tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do cho xuất nhập khẩu…Cục Xuất nhập khẩu dự kiến chỉ tiêu phấn đấu về xuất nhập khẩu năm 2024 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2024 xuất khẩu nông sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD. Trong đó rau, quả, gạo, thủy sản, lâm sản vẫn là nhóm hàng chủ lực, kỳ vọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của toàn ngành./.