2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ tăng về lượng mà giá nhiều loại nông sản đang ở ngưỡng cao đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến về vấn đề này.
PV: Nông lâm, thủy sản đã lấy lại đà tăng trưởng ngay trong những tháng đầu năm, kết quả này là nhờ những yếu tố nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Những tháng đầu năm chủ yếu là thúc đẩy sản xuất nhưng chúng ta vẫn giữ đà tăng trưởng, đó là tín hiệu vui để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng của ngành theo mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Về sản lượng lúa, đã đạt 3,2 triệu tấn, tuy có giảm nhưng năm nay sẽ duy trì 7,1 triệu ha đất lúa, với sản lượng 43 triệu tấn, gần bằng mục tiêu năm 2023, cố gắng duy trì sản lượng xuất khẩu 8 triệu tấn gạo.
Về chăn nuôi duy trì đà tăng trưởng tương đối cao: đàn lợn trên 28 triệu con, duy trì đà tăng trưởng đạt 4,8%; đàn gia cầm là 558 triệu con, vẫn tăng trưởng 2,1%; nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và hiệu ứng truyền thông công tác phòng chống buôn lậu lậu lợn ở các tỉnh phía Nam, gia cầm ở các tỉnh phía Bắc cùng với sự vào cuộc của các cơ sở chăn nuôi đã duy trì đà tăng trưởng ngành chăn nuôi, giá được cải thiện đáng kể.
Về thủy sản, sau 2 tháng đạt 2,12 triệu tấn, tăng 1,7%. Nuôi trồng tăng hơn 2%. Về lâm nghiệp chúng ta đạt trên 4 triệu m3, tăng 1%. Về cơ cấu thị trường có sự thay đổi. Theo đó, Mỹ là 2,1 tỷ USD chiếm 21,5%; thị trường Trung Quốc xếp thứ 2 là 2,065 tỷ USD, chiếm 21%; thị trường Nhật Bản 7,2%; thị trường Philipines 4,5%; thị trường Hàn Quốc 3,8%; thị trường châu Âu là 42,1%...
Điều này cho thấy, chúng ta đã có khởi đầu rất tốt khi mà chất lượng nông sản đáp ứng các thị trường đòi hỏi yêu cầu khắt khe. Đến hết tháng 1, chúng ta đã xuất khẩu 5,14 tỷ USD, tăng 9,2%. Kết thúc tháng 2, đã xuất khẩu được 9,84 tỷ USD, tăng 50,3%; giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần.
Như vậy, đà tăng trưởng xuất khẩu vẫn được duy trì. Đây là những khởi đầu thuận lợi và tích cực hướng đến mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 - 55 tỷ USD trong năm 2024.
PV: Các nhóm ngành hàng chủ lực đều tăng trưởng dương về kim ngạch xuất khẩu, trong đó, tín hiệu tích cực nhất là mặt hàng lâm sản và thủy sản đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trên 2 con số, Thứ trưởng chia sẻ như thế nào về kết quả này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Dấu hiệu tích rất tích cực đó là qua 2 tháng xuất khẩu, lâm nghiệp đạt 2,72 tỷ USD, tăng 61,6%; những mặt hàng khác đang vượt lên như: cà phê 1,38 tỷ USD, tăng 85%; rau quả là 0,97 tỷ USD, tăng mức 72,6%; gạo mặt hàng chủ lực của Việt Nam như năm ngoái là xuất khẩu 4,78 tỷ USD, năm nay đạt 0,71 tỷ USD, tăng 49,9%. Ngoài ra, còn lĩnh vực khác như: hạt điều cũng thu được giá trị là 0,6 tỷ USD, tăng tới 68,2%. Thủy sản với tôm cũng đạt 0,4 tỷ USD, tăng 20,4%.
Như vậy, các mặt hàng kể cả nông nghiệp, lúa gạo, rau quả, thủy sản đang tăng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả của 2 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới với nhiều diễn biến còn khó lường, khó khăn về địa chính trị như: xung đột trên Biển Đỏ, Nga-Ukraine, điều này đòi hỏi sự chủ động trong dự báo với cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường như hiện nay để điều chỉnh một cách linh hoạt, đảm bảo thích ứng trước những diễn biến phức tạp đang diễn ra để về về đích với nhiệm vụ tăng trưởng và xuất khẩu năm 2024.
PV: Vậy để duy trì đà tăng trưởng cũng như giá trị nông sản xuất khẩu, trong những tháng tiếp theo, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Với cơ cấu đàn gia cầm hiện nay khoảng 558 triệu con, mỗi năm giết mổ khoảng 2 tỷ con; đàn gà công nghiệp chiếm 27%, đây là lợi thế khi Việt Nam có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến gia cầm theo chuỗi giá trị khép kín từ con giống, thức ăn dinh dưỡng, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học, giết mổ, chế biến và vận chuyển tiêu thụ. Tập trung xuất khẩu và mở cửa thêm các thị trường đối với gia cầm và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Tập đoàn De Heus của Hà Lan xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal (thị trường thực phẩm giành cho người Hồi giáo, với 2,2 tỷ người dân). Đối với thủy sản, Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Thủy sản tập trung phát triển thị trường này.
Công nghệ hiện đại của Tập đoàn De Heus và công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam (CP) hiện nay không thua kém các nước trên thế giới, đây là cơ hội để gia cầm Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc nhanh nhất, gia tăng thị phần ở thị trường này. Mở cửa thị trường và xúc tiến thương mại có hiệu quả, nhưng cũng cần mở rộng thêm những thị trường mới mang tính đặc thù, để sản phẩm nông sản đi được nhiều phân khúc thị trường, với doanh thu cao hơn.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Minh Long/VOV1