Theo tổng hợp của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHHN), tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024, đại diện các ngân hàng cho rằng khả năng hấp thụ vốn sẽ tăng chậm, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đòi hỏi sự nỗ lực từ các NHTM cũng như chính sách hỗ trợ.
Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, bước sang năm 2024, NHNN Việt Nam đã có sự chủ động và đưa ra những cơ chế mới cho việc điều hành tín dụng. Cụ thể, đã giao ngay từ đầu năm về hạn mức tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15% để phấn đấu đạt được chỉ tiêu đó. Nếu ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục giao thêm hạn mức tín dụng.
Cùng với đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
“Trong năm 2024, NHNN một mặt đổi mới cơ chế điều hành, chỉ đạo hoạt động tín dụng, đổi mới phân bổ chỉ tiêu, tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho các NHTM và cũng chỉ đạo các NHTM tích cực, mạnh dạn chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp người dân tiếp tục vay vốn, khắc phục khó khăn. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục duy trì chính sách đã duy trì từ khi có dịch Covid đó là chính sách giãn hoãn nợ, lãi vay, cho các DN đang khó khăn, chưa trả nợ được cho ngân hàng, chúng tôi sẽ nghiên cứu kéo dài Thông tư 02 đến thời điểm phù hợp”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá.
Các ngân hàng thương mại chỉ ra nguyên nhân tín dụng giảm là do tín dụng bán lẻ trong tháng đầu tiên năm 2024 tiếp tục đà giảm, với mức giảm đến 11.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cũng giảm do thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án mới cấp phép năm 2023 có ít dẫn đến nguồn cùng thiếu, nhiều dự án vướng mắc về pháp lý.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt LPBank cho biết, ngân hàng đã có gói hỗ trợ 6,5%, phục vụ cho ngành hàng lâm thuỷ sản. “Năm ngoái LPBank đăng ký gói 300 tỷ đồng, năm nay khi tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, LPBank tự tin đăng ký gói 1.000 tỷ với NHNN”, ông Tiến nói.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phân tích về điểm khác biệt trong tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024. Cụ thể, nếu như một số năm trước đây, thời điểm cuối năm tình hình nhu cầu tín dụng tăng cao, lúc đó các ngân hàng căng thẳng về room tín dụng nên nhu cầu được chuyển sang giải quyết trong tháng 1 làm cho tăng trưởng tín dụng đầu năm khá cao. Còn trong năm 2023 khi room tăng trưởng tín dụng tương đối thoải mái, nhu cầu tín dụng được đáp ứng, đến thời điểm 31/12, các DN cá nhân quyết toán công nợ, cơ bản được giải quyết hết trong năm 2023, do đó, nhu cầu vay trong tháng 1 thấp. Có ngân hàng số người trả nợ nhiều hơn người vay, làm tăng trưởng tín dụng giảm tốc.
“MB cũng xác định sẽ chia sẻ rủi ro, không ngân hàng nào tập trung cho vay 1 khách hàng quá nhiều. Do đó MB cũng chọn giải pháp đồng tài trợ, kêu gọi nguồn vốn từ các tổ chức trong nước và quốc tế”, ông Phạm Như Ánh cho biết thêm.
Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024, đại diện các ngân hàng cho rằng khả năng hấp thụ vốn sẽ tăng chậm. Bởi lẽ, tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp vẫn đang suy giảm, khả năng chống chịu kém. Trong khi đó, áp lực nợ xấu đối với các ngân hàng trong năm 2024 là rất lớn; bộ đệm dự phòng rủi ro nợ xấu đang mỏng đi nên các ngân hàng sẽ thận trọng trong việc cấp tín dụng.
TS. Trần Dục Thức, Trường Đại học TP.HCM đánh giá, việc trích lập dự phòng vẫn tăng thể hiện dù đã có hỗ trợ nhưng nợ xấu các ngân hàng vẫn gia tăng, điều đó cho thấy nền kinh tế đang gặp khó khăn. “Các khoản phải thanh toán của trái phiếu DN khiến nhiều người dự báo nợ xấu sẽ gia tăng đầu năm 2024, sự khó khăn trầm lắng khiến việc bán tài sản gặp khó khăn, DN không có tiền thanh toán trái phiếu, thanh toán các khoản vay ngân hàng. Nếu ngân hàng không xem xét gia hạn, những khoản nợ này sẽ bị chuyển xuống nhóm nợ xấu hơn”, TS. Trần Dục Thức nhận định.
Về định hướng, giải pháp điều hành hoạt động tín dụng năm 2024, lãnh đạo NHNN cho biết, năm 2024 kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn, tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo…
Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc điều hành tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN cũng sẽ nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Bảo Ngọc/VOV1