Nhiều địa phương cam kết giải ngân 100% vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Tại cuộc họp, Lãnh đạo nhiều địa phương cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm nay.

 

Sáng 8/3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Tại cuộc họp, Lãnh đạo nhiều địa phương cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm nay.

3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm trước, 3 chương trình này luôn trong diện chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên kết quả năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 tình hình có nhiều chuyển biến. Tại cuộc họp đa số các địa phương đều cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công các chương trình trong năm nay.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Qang phát biểu tại phiên họp.Theo ban chỉ đạo chương trình, Chính phủ đã giao trên 49.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với kế hoạch năm nay, Thủ tướng đã giao trên 47 nghìn 600 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2024, cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại phiên họp, lãnh đạo nhiều địa phương như Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam... đều cam kết triển khai 3 chương trình đúng kế hoạch đạt 100% vốn đầu tư công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long khẳng định: “Cam kết với Phó Thủ tướng trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia chúng tôi sẽ thực hiện đúng theo kế hoạch, nỗ lực là giải ngân 100%. Đặc biệt nhất là vốn đầu tư công thì không vấn đề gì nhưng vốn sự nghiệp chúng tôi sẽ cố gắng để giải ngân tối đa”.

Đại diện các bộ ngành nêu ý kiến.Bên cạnh đó, các địa phương cũng nêu rõ vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đó là một số nội dung của chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa triển khai được do vướng mắc với quy định pháp luật hiện hành. Chưa có hướng dẫn tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp theo quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quá trình tổ chức, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại một số địa phương cấp huyện còn lúng túng, hệ thống xử lý nước thải tập trung của một số cụm công nghiệp, đô thị chưa được quan tâm đúng mức.

Lãnh đạo các địa phương phát biểu từ các điểm cầu.Theo quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ các xã miền núi thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không được hưởng các chế độ an sinh xã hội, trong khi điều kiện thực tế tại các địa phương còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Lãnh đạo các địa phương đề nghị Chính phủ và các bộ ngành quan tâm tháo gỡ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ga Lai kiến nghị: “Đề nghị Ủy ban dân tộc báo cáo Thủ tướng cho các xã khu vực 3 theo quyết định 861 của Thủ tướng Chính Phủ tiếp tục được hưởng chính sách khu vực 3 sau khi có quyết định về hoàn thành nông thôn mới. Về dự án xây dựng thí điểm mô hình trung tâm thu mua cung ứng an toàn nông sản cấp huyện, UBND tỉnh Gia Lai đã có 2 văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn sớm để Gia Lai triển khai thực hiện”.

Nguyên Nhung/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận