Làm nông nghiệp sạch - Thay đổi tư duy sản xuất của người dân

Canh tác theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất gắn với xây dựng sản phẩm OCOP giúp các HTX tại Hải Dương xây dựng thương hiệu nông sản sạch, được đánh giá cao.

 

Đặc biệt, từ việc liên kết sản xuất và những kết quả đạt được từ việc canh tác hữu cơ đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Gia đình ông Trần Văn Thăng ở khu dân cư Vũ Xá, phường Thất Hùng (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) có 5 mẫu cam; trong đó, hơn 1 mẫu bắt đầu cho thu hoạch. Trước đây, cả 5 mẫu đất được ông Thăng trồng cam ngọt, canh tác theo cách thức truyền thống nhưng không hiệu quả. Hai năm gần đây, ông và một số hộ dân tại địa phương liên kết với HTX Nông sản sạch Thất Hùng sản xuất theo hướng canh tác hữu cơ. Ông Trần Văn Thăng bất ngờ vì canh tác theo hướng này, quả cam ngon hơn, ngọt hơn, năm vừa rồi ông thu được gần 20 tấn cam, bán với giá trung bình 50.000 đồng/kg.

“Từ lúc chuyển sang hướng hữu cơ, chúng tôi thấy cây khỏe; cây ra quả đẹp đến lúc thu hoạch mà không thấy suy giảm gì, vẫn xanh, đẹp. Đi đúng hướng hữu cơ thì cây mới bền vững, chứ bà con làm theo kiểu canh tác như trước thì cây cối không thể bền vững được. Bây giờ chúng tôi thay đổi là không dùng thuốc cỏ; dòng thuốc nào đảm bảo sinh học thì chúng tôi mới “đánh”. Làm theo kiểu hữu cơ này, lượng sâu giảm 1 nửa. Trước kia, mỗi tháng "đánh" 1 lần nhưng bây giờ có thể 2-3 tháng, chúng tôi mới "đánh" 1 lần”, ông Trần Văn Thăng chia sẻ.

Khi liên kết với HTX, bà con thực hiện các yêu cầu của HTX về canh tác, sản xuất hữu cơ, như: không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc sâu, phân bón hóa học, thay vào đó là thuốc vi sinh và phân bón hữu cơ. HTX sẽ hướng dẫn bà con cách chăm sóc, hỗ trợ bà con vật tư và kết nối bao tiêu sản phẩm.

Trước khi mở rộng liên kết với các hộ dân tại địa phương, HTX đã thành công triển khai mô hình canh tác hữu cơ đối với các thành viên trong HTX. Anh Nguyễn Văn Quang, Giám đốc HTX Nông sản sạch Thất Hùng kể, cây cam ngọt trồng ở đất Thất Hùng từ 20 năm nay nhưng trồng theo kiểu ồ ạt, mẫu mã tuy đẹp nhưng chất lượng chưa thật sự ngon, giá bán cũng không được cao. Anh suy nghĩ muốn thay đổi chất lượng, nâng cao giá bán sản phẩm thì phải thay đổi từ cách chăm sóc, thay đổi “đầu vào” của cây trồng. Được sự hỗ trợ liên kết sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, cuối năm 2019, anh thành lập HTX Nông sản sạch Thất Hùng. Hiện nay, HTX có 7 thành viên, canh tác 5 ha cam và 15 ha ổi theo hướng hữu cơ; ngoài ra, HTX liên kết với khoảng 30 hộ dân địa phương, với diện tích hơn 20 ha cam và 150 ha ổi.

“Lúc đầu cũng khó khăn, bởi vì bà con đang làm theo hướng truyền thống. Mình thay đổi bà con thì cũng phải mất năm đầu, sang năm thứ hai, khi giá thành quả cam nâng lên thì bà con mới cảm nhận được đi hướng hữu cơ là đúng. Khi đó, không cần trồng nhiều nhưng chăm bón tốt, đúng hướng thì sản lượng, giá thành vẫn cao hơn và nhàn hơn cho bà con”, anh Quang nói.

Theo Phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương), hiện nay, trên địa bàn thị xã có 4 HTX sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm, theo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 của tỉnh; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ chiếm tới 30% tổng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thị xã.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ Nông sản sạch Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cho rằng, sản xuất nông nghiệp sạch không thể “ăn xổi, ngày một ngày hai” mà cần sự kiên trì của người dân, nhưng sẽ mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài. HTX Kinh doanh dịch vụ Nông sản sạch Bạch Đằng không ngừng mở rộng, từ 27 thành viên ban đầu, hiện đã có hơn 40 thành viên với diện tích canh tác hơn 60 ha.

“Sản xuất nông nghiệp sạch thì bán được giá nên bà con cũng ý thức được làm nông nghiệp xanh, trước mắt là phải vệ sinh môi trường đồng ruộng. Cho nên bà con phải thay đổi một cách nhận thức về sản xuất một cách rõ rệt. Muốn đổi mới được bộ mặt nông thôn thứ nhất sản xuất phải an toàn, thứ hai là gắn với trải nghiệm du lịch đồng ruộng, đưa lại hiệu quả lao động cũng như là sản phẩm của bà con nông dân được nâng lên một bước”, ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết.

Tỉnh Hải Dương đang xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn hữu cơ.Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là chủ trương lớn của tỉnh Hải Dương. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 542 ha lúa sản xuất hữu cơ trên diện tích khai thác rươi cáy, không dùng phân bón và thuốc hóa học, sản lượng thóc sản xuất hữu cơ trên 2.000 tấn/năm; ngoài ra, địa phương đang trồng khoảng 30 ha rau theo hướng hữu cơ với sản lượng 750 tấn/năm.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, ngành Nông nghiệp địa phương đẩy mạnh hỗ trợ người dân và các HTX trong xây dựng thương hiệu, với các mô hình liên kết, trong đó có cam kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản xuất.

“Tỉnh đang cùng với huyện tập trung hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất để làm sao bà con thuận tiện hơn cho việc tổ chức sản xuất cũng như vận chuyển, tiêu thụ sản xuất. Hoạt động quảng bá xúc tiến cũng đang được tỉnh quan tâm và hỗ trợ hạ tầng cho các vùng sản xuất tập trung. Ngoài ra, việc chỉ đạo trong sản xuất đảm bảo an toàn, phòng trừ sâu bệnh được quan tâm rất đặc biệt, để làm sao ra được những sản phẩm tốt nhất”, bà Lương Thị Kiểm thông tin.

Những thay đổi trong trong tư duy sản xuất của người dân, trong cách thức canh tác của bà con và các HTX đang góp phần thay đổi cơ cấu ngành nông nghiêp tỉnh Hải Dương theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận