TP.Hồ Chí Minh tạo đột phá trong thu hút đầu tư

TP.HCM cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tận dụng tối đa cơ hội hiện có để tiếp tục nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

 

Tái cấu trúc theo mô hình xanh, số

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới đang suy giảm nhưng tại nước ta vẫn tiếp tục tăng. Chưa bao giờ nền kinh tế toàn cầu có sự tái cấu trúc mạnh mẽ như hiện nay; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đang diễn ra với tốc độ cao để tối ưu hóa chi phí, đẩy nhanh tốc độ sản xuất. Trong khi đó, các nhà đầu tư, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chuyển đổi xanh từ đầu vào, môi trường, sản xuất kinh doanh đến logistics, thu gom và tái chế.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, ông Võ Trí Thành nhận định, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp FDI tiếp tục được cải thiện mặc dù chưa đạt như kỳ vọng. Bên cạnh những khó khăn, cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng cần nắm bắt cơ hội để đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.

 “Khó và còn nhiều thách thức nhưng nếu chúng ta cải thiện hình ảnh, môi trường của mình thì cơ hội ấy sẽ được hiện thực hóa. Chúng ta hy vọng lần này sẽ đón được không chỉ nhiều vốn mà còn các nhà đầu tư chất lượng và các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam nếu có sự lan tỏa về công nghệ, kỹ năng, bảo đảm tăng trưởng xanh, và phát triển bền vững” - TS. Võ Trí Thành nói.

Để tạo được đột phá trong thu hút đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, Thành phố cần đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong cải cách hành chính; tiếp tục cải thiện cơ chế, chính sách và tiền lương. Đồng thời tích cực thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh theo cam kết của Chính phủ đưa phát thải về 0 vào năm 2050. Chuyển đổi xanh không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà còn trong môi trường làm việc, dịch vụ cung ứng cũng như đời sống của các chuyên gia.

Trải thảm đỏ đón nhân tài

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, vấn đề nhân lực là yếu tố đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư FDI. Để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, trước hết cần tạo ra các lợi ích liên quan đến sự chuyển dịch của các chuyên gia và lao động có kỹ năng tay nghề cao. Chính vì vậy, TP.HCM cần triển khai thực hiện tốt những cơ chế, chính sách trong các nghị quyết của trung ương.

 “Nghị quyết 98 của Quốc hội nối tiếp Nghị quyết 54 trước đó là sự nối dài về cải cách hành chính. Cùng với Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đối với TP.HCM là sự đột phá rất mạnh. Vấn đề là Thành phố phải nghiên cứu, cụ thể hóa như thế nào, làm sao tập hợp được nguồn lực, chất xám cao cấp nhất không chỉ về vật chất mà còn vấn đề trí tuệ” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nêu ý kiến.

Tuyển dụng nhân sự chất lượng cho các nhà đầu tư chiến lược tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (Ảnh: Hoàng Minh)

Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM cơ chế ưu đãi về miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm đối với lao động chất lượng cao. Theo TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, không chỉ ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, nhân lực chất lượng cao, người tài còn cần được hỗ trợ nhà ở, phương tiện và các dịch vụ du lịch, giải trí, văn hóa, giáo dục… để họ an cư lạc nghiệp, yên tâm cống hiến lâu dài.

“Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hệ sinh thái, cuộc sống thịnh vượng để thu hút người tài. Bởi chính những cơ chế ưu đãi đó sẽ tạo nên đòn bẩy để thu hút FDI. Hỗ trợ nữa rất quan trọng là về nhà cửa và dịch vụ. Người tài đến Thành phố còn cần phải có nhà trẻ, có trường học, có bệnh viện, phải có các dịch vụ xung quanh đô thị, giải trí” - TS. Trương Minh Huy Vũ nói.

Thu hút nhà đầu tư chiến lược

Theo Nghị quyết 98, TP.HCM ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược để đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao với quy mô lớn. Nghị quyết cũng cho phép Thành phố cơ chế ưu đãi riêng đối với nhà đầu tư chiến lược, chế độ ưu tiên về hải quan, thuế.

Các chuyên gia cho rằng, khi thu hút nhà đầu tư chiến lược, Thành phố sẽ nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đồng thời sẽ kéo theo các nhà đầu tư lớn khác trong chuỗi cung ứng để từng bước hình thành một hệ sinh thái công nghệ cao.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay, TP.HCM đang chú trọng thu hút dự án có hàm lượng chất xám cao với những nhà đầu tư sử dụng diện tích đất nhỏ nhưng giá trị lớn, có tính đột phá chiến lược và mũi nhọn. Đối với những nhà máy có trình độ công nghệ không cao sẽ có lộ trình di dời đi nơi khác.

Bà Mai Phong Lan - Phó Trưởng Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM cho biết, đa số các doanh nghiệp trong nước chưa thể tiếp cận được công nghệ lõi, công nghệ nguồn của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc chuyển giao công nghệ của các nhà đầu FDI mới chỉ đạt khoảng 20%, được thực hiện chủ yếu giữa công ty mẹ và công ty con. Thậm chí nhà đầu tư chiến lược tại khu công nghệ cao cũng mới chỉ được hỗ trợ ở khâu lắp ráp.

Bà Mai Phong Lan kiến nghị: “Ngoài việc hỗ trợ thuế, tiền đất, tiền mặt… Việc xây dựng các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư chiến lược cũng cần phải kèm theo những ràng buộc về chuyển giao công nghệ cho Việt Nam theo đúng tiến độ. Sau đó mình mới có thể hưởng lợi”.

Khi năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một lớn mạnh, tạo được nhiều sự tin tưởng hơn từ nhà đầu tư. Bởi vậy, hình thức đầu tư góp vốn tại TP đang ngày càng phổ biến bên cạnh các dự án xây dựng, thành lập mới.

Tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn 12.520 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 57,7 tỷ USD (chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư của cả nước). Trong quý I năm nay, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án đăng ký mới (chiếm 38,4% cả nước). Việc thu hút đầu tư hiệu quả đòi hỏi các cán bộ công chức của các cơ quan ban ngành vẫn đang ngày đêm nỗ lực không ngừng nghỉ để xử lý thủ tục, hồ sơ, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Những năm qua, mặc dù đứng trước nhiều biến động nhưng Thành phố vẫn từng bước phân tích điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 5878/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025 tầm nhìn 2030.

Theo Quyết định này, Thành phố đã ban hành đề án chiến lược thu hút FDI, trong đó giao cho các sở, ngành đồng loạt triển khai các biện pháp trong thời gian thời gian chờ đợi Chính phủ hoàn thiện những cơ chế, chính sách mới. Đồng thời, TP cũng thành lập các tổ công tác liên quan tới cảng Cần Giờ và các tổ công tác giúp các doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP giải quyết những vướng mắc. Các đơn vị, sở ban ngành sẽ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Hoàng Minh/VOV-TP.HCM
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận