Kinh tế TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng

Quý 1 năm 2024, kinh tế TP.HCM đã phát triển đáng mừng với GRDP bình quân cao hơn cả nước, doanh nghiệp có đơn hàng mới và mạnh dạn đầu tư.

 

Cuối năm 2023, kinh tế TP.HCM được đánh giá là phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp khó khăn và thu hẹp sản xuất, tăng trưởng tín dụng thấp… Quý 1 năm 2024, dù tình hình thế giới vẫn biến động khó lường, xuất nhập khẩu vẫn khó khăn nhưng kinh tế TP đã phát triển đáng mừng với GRDP bình quân cao hơn cả nước, doanh nghiệp có đơn hàng mới và mạnh dạn đầu tư, du lịch tăng trưởng...

Đó là nhờ Đảng bộ và chính quyền TP đã quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, sát cánh cùng doanh nghiệp, giải quyết nhanh và hiệu quả các vướng mắc phát sinh để các lĩnh vực phải có sự tăng trưởng nhất định.

Đầu tư cho sản xuất để vượt khó

Cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh ở huyện Củ Chi là một cơ sở sản xuất nhỏ. Đầu năm nay, cơ sở tìm được thêm thị trường xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc. Để tăng công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất xanh, bà Võ Thị Bích Hạnh- chủ cơ sở, đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư dây chuyền sản xuất trị giá 20 tỷ đồng, nâng công suất từ 6 tấn lên 9 tấn thành phẩm/tháng.

Bà Hạnh cho rằng, thị trường có khó khăn thật nhưng với mặt hàng thực phẩm thì đầu ra không bao giờ đóng lại. Vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp phải nắm bắt được thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng và làm sao để sản phẩm có giá cạnh tranh. Vì vậy, cùng với tìm thêm thị trường, cơ sở của bà đồng thời nâng cấp sản xuất.

GRDP của TP.HCM quý 1 ước tăng 6,54%. (Ảnh: Hà Khánh)

"Tôi mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cấp năng lượng mặt trời, máy móc hiện đại hết để sản xuất xanh, sử dụng ít công nhân mà năng suất cao hơn, theo kịp với yêu cầu của thị trường. Vốn thì phần tự có, phần thiếu được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước" - bà Hạnh chia sẻ.

Tương tự như vậy, trong lúc các doanh nghiệp dệt may đang rất khó khăn thì một doanh nghiệp (giấu tên) mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỉ đồng thay mới toàn bộ máy dệt. Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm là một cách để doanh nghiệp tồn tại. Còn nếu cứ đứng yên chờ khó khăn qua đi thì chắc chắn doanh nghiệp khó mà trụ lại với thị trường.

Theo đại diện doanh nghiệp này: "Dự án của chúng tôi cũng phải 40-50 tỉ đồng, thay mới 42 máy dệt, loại hiện đại nhất, tiết kiệm năng lượng nhất. Nói thẳng, giờ cạnh tranh thị trường thì buộc phải tiết kiệm, làm sao giảm mọi chi phí để cạnh tranh. Giờ không sản xuất tiết kiệm thì không tồn tại được với thời điểm hiện tại. Do đó phải tiết kiệm tất cả, mở rộng thị trường".

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, dư nợ tín dụng tăng trưởng đáng mừng, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, của nền kinh tế TP.HCM có sự cải thiện. Cụ thể, gói tín dụng giải ngân thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2024 với quy mô 509.864 tỷ đồng thì trong 2 tháng đã giải ngân 51.754 tỷ đồng cho 15.390 khách hàng, chiếm 10,2%.

Ông Lệnh cho biết: "Đã có những chuyển biến tích cực trong tăng trưởng tín dụng. Nếu tháng 1 tín dụng giảm đến 0,93% thì sang tháng 2 tín dụng đã không giảm mà tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế như xuất nhập khẩu, du lịch, thương mại dịch vụ đang tăng trưởng tốt đã tác động trở lại nhu cầu vốn".

Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. (Ảnh: Minh Hạnh)

Tiếp tục vực dậy nền kinh tế

Trong quý 1/2024, TP.HCM đứng trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đã đề ra nhiều giải pháp và đạt nhiều kết quả khả quan. GRDP của TP quý 1 ước tăng 6,54% (cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 đến nay và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2023). Nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ phát triển khả quan, nhất là các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1%- cao nhất trong 4 năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP tăng 12,2%; thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư tăng lên.

Một số động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch chuyển biến rõ nét, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 7,5%; hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, lượng khách và doanh thu tăng mạnh. Thu ngân sách đạt 28,7% dự toán năm và tăng 7,61% so với cùng kỳ.

TS.Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, sự tăng trưởng của quý I năm 2024, những điểm sáng của kinh tế như về công nghiệp, du lịch, bất động sản, hạ tầng giao thông… là một phần kết quả của các chính sách đã có trước đó. Đồng thời, cuối năm ngoái sang đầu năm nay có những bước thay đổi quan trọng về thể chế, nhất là ở cấp Trung ương, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi) được thông qua, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

TP.HCM thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa để góp phần cho tăng trưởng. (Ảnh: Minh Hạnh)

Theo ông Vũ, TP.HCM đã chủ động, tích cực trong thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng truyền thống là đầu tư công, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu.

“TP đã thúc đẩy kích cầu tiêu dùng toàn diện, từ hoạt động thương mại dịch vụ đến du lịch, từ không gian địa lý đến không gian mạng, thương mại điện tử. Từ đó tạo tâm lý thị trường, sự tính toán, kỳ vọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các việc TP làm. Các dự án xanh, dự án bán dẫn đang bắt đầu hình thành từ khối tư nhân” - ông Vũ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá, bước vào năm 2024, cấp ủy, chính quyền thành phố đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Trung ương, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan Trung ương; triển khai kịp thời, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về phát triển kinh tế- xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm.

Trong quý 2 và thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, nhất là tăng trưởng kinh tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu: “Thành phố cần tập trung ưu tiên thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng- đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng đến các ngành, lĩnh vực mới nổi; thu hút có chọn lọc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư ở các lĩnh vực chiến lược, các dự án thân thiện môi trường. Quan trọng hơn nữa là hỗ trợ doanh nghiệp nhất là về chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi cung ứng”.

Hiện TP.HCM đang chủ động, tích cực hơn nữa phối hợp với cơ quan Trung ương để hoàn thiện nội dung trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 98.

Sự tăng trưởng của Quý 1 cao hơn so với nhận định của các chuyên gia sẽ tạo đà tăng trưởng các quý còn lại. Tuy nhiên, tăng trưởng năm nay càng về sau sẽ khó khăn. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024, trước mắt TP vẫn ưu tiên cho các giải pháp về tiêu dùng nội địa, vốn đầu tư công, phục hồi sản xuất kinh doanh và cải thiện năng suất lao động. Đồng thời, TP chú trọng khơi thông các nhóm thể chế và môi trường pháp lý để phục vụ cho tăng trưởng./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận