Nghĩa Bình - Ngôi sao hợp tác xã năm 2024

  • 20/04/2024 10:07:06
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, cùng với xu thế phát triển của đất nước trong nhiều giai đoạn lịch sử, Hợp tác xã (HTX) Nghĩa Bình ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định luôn luôn thích ứng yêu cầu, khẳng định được vị thế. Nhờ đó, HTX đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Ngôi sao hợp tác xã năm 2024 "Co-op Star Awards 2024".

 

Xây dựng vùng lúa chất lượng cao

Nằm ở phía Nam của huyện Nghĩa Hưng, cạnh sông Đáy gần cửa biển Nam Định, cách thành phố Nam Định khoảng 40 km, xã Nghĩa Bình được thiên nhiên ưu đãi, có thổ nhưỡng và đất phù sa màu mỡ phù hợp với cây lúa nước. Nơi đây có nhiều giống lúa đặc sản gây thương nhớ cho du khách thập phương như nếp cái hoa vàng (nếp Bắc), tám thơm… Nhận thấy lợi thế là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh, Nghĩa Bình đã tiến hành dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tập trung vào trồng cây lúa theo hướng sản xuất hàng hóa. Thành lập từ năm 1956, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (HTX Nghĩa Bình) là một trong những đơn vị sản xuất, kinh doanh lúa gạo và cung ứng dịch vụ nông nghiệp hàng đầu của tỉnh Nam Định.

   HTX Nghĩa Bình đã vinh dự được trao giải thưởng “Ngôi sao HTX” năm 2024.

Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình cho biết: “Từ khi chuyển đổi từ HTX truyền thống sang HTX thực hiện Luật HTX năm 2012, Nghĩa Bình phát triển toàn diện và mở rộng sản xuất kinh doanh góp phần chuyển dịch cơ cầu kinh tế nâng cao thu nhập. Cùng với đó HTX còn đổi mới quản trị và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, đến nay bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị”.

HTX Nghĩa Bình đã quyết tâm trồng lúa sạch, làm gạo sạch, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, cung ứng sản phẩm chất lượng. HTX đã xây dựng thành công vùng lúa theo tiêu chuẩn VietGap, vùng chuyên canh sản phẩm đặc trưng, xây dựng thành công chuỗi gạo liên kết với nhiều sản phẩm thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng và đạt tiêu chuẩn Ocop.

Cụ thể là 80 ha “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” - thương hiệu đã được công nhận sản phẩm Ocop 4 sao, sản lượng gần 300 tấn thóc/năm; 5 ha sản phẩm Ocop 3 sao “Gạo Huyết rồng hữu cơ Nghĩa Hưng” cho sản lượng gần 30 tấn thóc/năm; 100 ha “Tám thơm Nghĩa Hưng”, sản lượng gần 550 - 600 tấn thóc/năm; thóc nếp lai các loại trồng trên 150 - 160 ha, sản lượng gần 800 - 850 tấn thóc/năm.

Hướng tới xuất khẩu

Vùng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm gạo nếp Bắc đạt tiêu chuẩn Viet-GAP của HTX Nghĩa Bình có quy mô 15ha với hơn 50 hộ dân tham gia. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống đến khâu thu hoạch. Ngoài việc cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp, HTX còn hướng dẫn các thành viên cách quản lý đồng ruộng.

  Nhiều sản phẩm của HTX Nghĩa Bình đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 3 sao.

HTX triển khai thực hiện phương châm “3 cùng”: cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác; “3 giảm - 3 tăng”: giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón hóa học, giảm thuốc trừ sâu - tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế. Thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp (I.P.M), nông dân được tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ giảm thiểu tác hại đến môi trường.

Cùng với đó, HTX tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, đầu tư cơ cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để không những nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm; tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số. Nhờ đó, sản phẩm lúa gạo của HTX đáp ứng được nhu cầu thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Giá trị canh tác đạt từ 115 - 120 triệu đồng/ha/năm. HTX trở thành đơn vị điển hình tiên tiến hoạt động có hiệu quả, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.

HTX hướng tới sản xuất các sản phẩm hữu cơ, nâng tầm sản phẩm thế mạnh hướng tới xuất khẩu.

Mặc dù vậy, để HTX có những bước đi vững chắc trong thời gian tới, ông Phạm Văn Chiến vẫn còn nhiều trăn trở. Rào cản lớn nhất mà HTX đang phải đối mặt là khó khăn về quy chuẩn trình độ nguồn nhân lực và tuyển chọn đội ngũ kế cận. “Chúng tôi đa số được đào tạo không đúng vị trí công việc đang đảm nhiệm. Lớp chúng tôi cũng sắp sửa đến tuổi nghỉ ngơi, cần tuyển lớp kế sau tiếp quản công việc mà khó quá”, ông Chiến tâm sự.

“Cần có chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài, nếu không HTX và các tổ chức kinh tế tập thể khó có khả năng theo kịp nền kinh tế thị trường, tiếp cận xu hướng hội nhập và trình độ khoa học công nghệ mới như hiện nay. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp nhằm ổn định quy hoạch vùng nguyên liệu, đặc biệt là quy hoạch chung của địa phương để giúp thành viên HTX có thể an tâm hoạt động và phát triển. Cùng với đó là việc đào tạo nguồn nhân lực giúp cho bà con có thể tiếp cận tốt với khoa học kỹ thuật, và đào tạo nghiệp vụ để giúp cho việc quản trị được tốt hơn.” Ông Chiến kiến nghị.

Trong thời gian tới, HTX hướng tới phát triển thêm vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ, chuyên nghiệp và nâng tầm các sản phẩm đang là thế mạnh để hướng tới xuất khẩu.

“Chúng tôi tin tưởng rằng với thiên nhiên ưu đãi và sự cần cù lao động sáng tạo của nông dân, Nghĩa Bình sẽ tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng sống và sức khỏe cho người tiêu dùng. Mong muốn của chúng tôi là một ngày nào đó mỗi bữa cơm của gia đình Việt có một sản phẩm của HTX Nghĩa Bình”.

                                                                                                   Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nghĩa Bình

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận