Sau phiên đấu giá thành công 3.400 lượng vàng vào ngày 23/4, giá vàng miếng SJC vẫn neo ở mức giá cao khi cuối phiên vẫn tăng 1 triệu đồng/lượng với giá bán 83,3 triệu đồng/lượng, dù giá vàng thế giới giảm. Hiện khoảng cách chênh lệnh giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, khoảng 11 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng vẫn còn cao
Chị Lệ, ngụ ở quận Bình Thạnh vốn có thói quen mua vàng làm tài sản tích trữ. Thời gian gần đây, giá vàng tăng cao, mức chênh lệch so với giá thế giới có lúc lên đến 16-17 triệu đồng/lượng nên chị chưa dám mua.
Chị Lệ cho biết, khi Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt trong việc bình ổn giá vàng, trong đó có việc thực hiện đấu thầu giá vàng, chị rất mong mức chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ được rút ngắn. Tuy nhiên, sau phiên đấu giá sáng qua, giá vàng trong nước chỉ giảm lúc đầu, đến cuối cuối giờ chiều lại quay đầu tăng, khoảng cách chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa được cải thiện.
“Tôi thấy sau phiên đấu thầu thì giá vàng vẫn tiếp tục tăng. Tôi mong cũng giá vàng trong nước rút ngắn để người dân mua tích trữ tài sản, không bị thiệt thòi, nhưng giá khởi điểm đấu thầu cao như vậy thì làm sao mà giảm chênh lệch được. Doanh nghiệp đấu thấu với giá cao thì làm sao bán cho chúng tôi với giá thấp và sát với giá thế giới được?”, chị Lệ nói.
Việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu giá vàng được xem là một trong những giải pháp để kéo giảm chênh lệnh giá vàng. Nhưng thực tế, sau phiên đấu thầu đầu tiên, tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, để đạt được mục đích trong việc tổ chức đấu thầu giá vàng, Ngân hàng Nhà nước phải từng bước giảm mức giá tham chiếu đấu thầu để tiệm cận với giá vàng thế giới. Vì giá vàng tham chiếu trong phiên đấu thầu hôm qua còn cao, ở mức 80,7 triệu đồng/lượng.
“Chúng ta chỉ cần giải quyết vấn đề giá, tức là chúng ta giảm giá tham chiếu xuống để tạo ra sự hấp dẫn của phiên đấu thầu này. Giá tham chiếu phải tiệm cận với giá thế giới. Chúng ta có thể thực hiện từng bước, giá tham chiếu, có thể cân nhắc ở mức khoảng 74-75 triệu đồng/lượng thời điểm hiện tại. Chúng ta kéo giảm từ từ xuống để về gần sát với mức giá của thế giới”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.
Ít doanh nghiệp đủ điều kiện đấu giá
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, trong phiên đấu thầu ngày 23/4, chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia và số vàng đấu thầu thành công số lượng cũng ít, chỉ 3.400 lượng vàng miếng SJC.
Số lượng này chưa tạo nguồn cung nhiều cho thị trường nên khó có thể kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng. Vì theo quy chế đấu thầu vàng hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa tham gia được.
Cụ thể, doanh nghiệp gia tham đấu thầu khối lượng tối thiểu phải từ 14 lô, tương đương 1.400 lượng lượng vàng. Khối lượng đấu thầu tối đa là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu với số lượng ít hơn từ 400-1.000 lượng vàng thì không được, nên họ phải đứng ngoài cuộc và chờ mua lại từ doanh nghiệp trúng thầu hoặc mua từ thị trường tự do. Chính vì vậy, quá trình bình ổn giá vàng sẽ càng lâu hơn.
Chuyên gia Trần Duy Phương phân tích, việc số doanh nghiệp tham gia đấu thầu ít, lượng vàng đấu thầu thành công ít nên chưa tạo được nhiều nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, giá vàng tham chiếu cao nên doanh nghiệp chưa mặn mà đấu thấu thầu với số lượng vàng nhiều để có nguồn cung bán ra thị trường, mà chủ yếu chỉ giải quyết trạng thái âm vàng của doanh nghiệp.
“Tổ chức thêm nhiều phiên đấu thầu nữa để cung ứng thêm vàng miếng ra thị trường phải hơn 10.000 lượng trở lên lúc đó giá vàng trong nước mới co lại co so với mức chênh lệnh giá vàng thế giới. Vấn đề không phải giá vàng 81-82 triệu đồng/lượng hay 71 triệu đồng/lượng mà hiện nay giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới 11 triệu đồng/lượng, nhưng qua đấu thầu giảm khoảng cách này còn 6 triệu đồng/lượng là thành công”, Chuyên gia Trần Duy Phương nêu ý kiến.
Thực tế cho thấy, để kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra giá tham chiếu đấu thầu sát với giá thế giới thì vấn đề số lượng vàng bán ra phải đủ nguồn cung cho thị trường. Vì chỉ khi nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay.
Lệ Hằng/VOV-TPHCM