Hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030. Để xây dựng và triển khai được chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu này, sáng 26/4, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) và Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) phối hợp tổ chức Hội thảo “Chương trình đào tạo cho ngành Công nghiệp Vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và giải pháp”.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cho biết: “Chúng ta đang thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, trong đó một số lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng như AI, IoT, Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn, công nghệ 5G, 6G ... tất cả đều trên nền tảng quan trọng, không thể thiếu đó là vi mạch bán dẫn. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định phát triển ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn là mũi nhọn, để thực hiện thành công chiến lược này ngoài chiến lược và chính sách phát triển đúng; đầu tư thích đáng, có trọng tâm, trọng điểm thì phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách, mục tiêu là tới 2030 chúng ta cần có khoảng 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực này”.
Cũng theo TS. Trần Đức Lai, hiện Việt Nam đang đứng thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử, và được quốc tế đánh giá là nước có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh. Có thể khẳng định rằng công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, nó sẽ là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30 – 50 năm tới vì khi con người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất thì chip bán dẫn sẽ vẫn còn đóng vai trò trọng yếu, còn có nhu cầu về xử lý dữ liệu tức còn có nhu cầu sử dụng chip bán dẫn.
Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh về yêu cầu nguồn nhân lực từ 30.000 – 50.000 kỹ sư phục vụ ngành vi mạch trước năm 2030 vừa là cơ hội, vừa là thách thức với các trường đại học trong việc xây dựng chương trình đào tạo.
“Dù các trường đại học lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm trong đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, thế nhưng để đảm bảo chất lượng và số lượng trước sự bùng nổ về nhu cầu, trước sự đầu tư của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì sự chia sẻ và hợp tác giữa các trường về cách đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu và thực hành cho ngành vi mạch cần phải được thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ”.
Do đó, theo PGS.TS. Nguyễn Phong Điền, việc xây dựng chương trình đào tạo càng phải được căn cứ vào nhu cầu thực tế về số lượng và chất lượng từ các doanh nghiệp, đó là việc đầu tiên cần làm. Từ đó các trường cần xác định trong 50.000 kỹ sư vi mạch có các khối kiến thức, kỹ năng sau 4 năm đào tạo có thể làm việc được, làm việc ở đâu trong lĩnh vực nào của vi mạch bán dẫn.
“Để việc nghiên cứu có hiệu quả thiết thực và bám sát nhu cầu thị trường, việc thực hành của sinh viên và nghiên cứu của giảng viên có vai trò quan trọng trong việc đào tạo các nguồn nhân lực chất lượng cần sự chung tay của các bên liên quan, các ban bộ ngành, các cơ quan, các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội và TP.HCM”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nói.
PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh hội thảo “Chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và giải pháp” diễn ra sát với thực tế đặt ra hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) đã ban hành Chiến lược KHCN tới năm 2030 xác định công nghiệp sản xuất chíp vi điều khiển, linh kiện bán dẫn là một trong những công nghệ lõi được định hướng trong thập kỷ tới. Bộ TTTT đang xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn cho Việt Nam tới năm 2030 trong đó nêu rõ tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình, giải pháp, các chính sách ưu tiên… Bộ Kế hoạch Đầu tư có dự án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tới năm 2030 và định hướng tới năm 2045. Bộ GD-ĐT cũng đã có nhiều chương trình, dự án tới các trường trong toàn quốc liên quan tới đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược này.
“Do đó, việc tập trung đào tạo kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn là một hướng đi chiến lược, có yếu tố quyết định để có thể tận dung cơ hội tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để chúng ta thực hiện chiến lược Make-in-Việt Nam. Nhận thức được vấn đề này, nhiều trường trên toàn quốc có chương trình đào tạo liên quan tới vi mạch bán dẫn”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, việc ra đời một ngành đào tạo mới không hề đơn giản.
“Mã ngành cũng chỉ là một con số, việc ra đời một ngành đào tạo mới phải như thế nào. Nó chỉ có 2 cách, một là ngành lớn phát triển quá mạnh, phạm vi về kiến thức, nền tảng khoa học quá rộng và phân nhánh nên chúng ta cần có một ngành đào tạo mới. Hai là ghép 2, 3 ngành ở hiện tại, chẳng hạn như ngành cơ điện tử là ngành lai ghép. Đồng thời việc đào tạo ngành mới không hề dễ dàng. Giảng viên ngành mới có không hay vẫn là các thầy cô là giảng viên mạch điện, điện tử, thiết kế… Và ngành mới sẽ có bao nhiêu trường có thể đào tạo được”, ông Hoàng Minh Sơn nói.
Thế nên theo ông Hoàng Minh Sơn yêu cầu đặt ra đó là phải có chương trình đào tạo, có nền tảng kiến thức, có chuẩn đầu ra thì mới xếp ngành được.
Nguyễn Hà/VOV.VN