Niềm tin của các doanh nghiệp tăng
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018. Báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 20 địa phương tại Việt Nam.
Điều tra PCI 2018 cho thấy mức độ lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2018 vẫn duy trì ở mức tương đối cao, với 49,3% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh với quy mô hiện tại là 42,4%. Số còn lại, khoảng 8,3%, cho biết sẽ giảm quy mô kinh doanh hoặc có kế hoạch đóng cửa. Với kết quả này, chúng ta có thể kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới, song có thể thấp hơn một chút so với mức kỷ lục của năm 2018. Mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp.
Phân tích cho thấy nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động nhiều hơn. Cụ thể, chỉ 41% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng sẽ gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh; trong khi với nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn từ 200 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô hoạt động lên tới 70%. Xu hướng tương tự cũng có thể quan sát được theo quy mô lao động của doanh nghiệp: chỉ 43% doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động cho biết sẽ tăng quy mô sản xuất kinh doanh, thì có tới 68% doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên.
Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp gia tăng theo quy mô có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực. Ở khía cạnh tích cực, nó cho thấy sự tích tụ lớn hơn cùng năng suất cao hơn có xu hướng đi cùng với sự gia tăng quy mô. Mặt khác, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là nhóm ít lạc quan hơn trong khi họ lại đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm tại Việt Nam khi mỗi năm có thêm hơn 1 triệu người tham gia vào lực lượng lao động. Sự thiếu lạc quan này, vì vậy, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động, tuyển thêm lao động của đối tượng doanh nghiệp này trong hai năm tới.
54,8% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức
Hiện tượng “tham nhũng vặt” chi phí bôi trơn quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước. Cụ thể chỉ 54,8% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. 58,2% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Điều tra PCI 2018 cũng ghi nhận “tham nhũng lớn” có dấu hiệu giảm bớt. Chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI: Hiện tượng “tham nhũng vặt” hay còn gọi là chi phí bôi trơn nhỏ mà DN phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép, nhất là trong lĩnh vực đầu tư của năm 2018 là 54,8%, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, song đây vẫn là tỷ lệ rất cao. |
Ấn tượng hơn cả là con số 39,3% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra. Năm 2018 có 48,4% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Chi trả ‘hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” trong khi đó năm 2017 là 54,9%. Mặc dù giảm nhưng các chuyên gia nhận định, những chỉ tiêu phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn còn tương đối cao.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI cho biết, hiện tượng “tham nhũng vặt” hay còn gọi là chi phí bôi trơn nhỏ mà DN phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép, nhất là trong lĩnh vực đầu tư của năm 2018 là 54,8%, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, song đây vẫn là tỷ lệ rất cao.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể theo thời gian. Cụ thể, với thang điểm từ 1 đến 5 (Không thể - Rất dễ), khả năng tiếp cận tài liệu quy hoạch của doanh nghiệp chỉ đạt 2,38 điểm vào năm 2018. Vẫn có tới 69,4% doanh nghiệp cho biết “cần có ‘mối quan hệ’ để có được các tài liệu của tỉnh (năm 2017 là 70%). Chính vì việc tiếp cận thông tin chưa thuận lợi, nên khả năng các doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của địa phương đối với các quy định pháp luật của Trung ương rất hạn chế và khiến các doanh nghiệp bị động. Điều này cũng cản trở các kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn sẽ được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Chỉ số PCI chính là sự cổ vũ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cho sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cấp địa phương tại Việt Nam.
Điều này cho thấy cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan nhà nước, đồng thời cần có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ quản trị, nắm bắt và tuân thủ pháp luật tốt hơn, đồng thời tăng cường liêm chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình.