Vùng Tây Nguyên mặc dù hội tụ đủ những điều kiện để phát triển, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay vùng còn gặp nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong phát triển thương mại dịch vụ, cũng như khoa học công nghệ. Trong đó, điểm yếu đáng kể nhất vẫn là kim ngạch xuất khẩu của vùng Tây Nguyên còn rất khiêm tốn.
Sản phẩm xuất khẩu có nhiều nhưng…thô
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 năm 2022 và 2023 (quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng Tây Nguyên mới đạt khoảng 4,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt gần 3,8 tỷ USD năm 2022 và trên 3,7 tỷ USD năm 2023, khoảng hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn thừa nhận, tăng trưởng của Đắk Lắk chưa đạt được theo kỳ vọng đã đề ra. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Đắk Lắk bình quân hàng năm khoảng 11% nhưng thực tế con số này chỉ đạt trên - dưới 7%. “Để phát triển hơn nữa, Đắk Lắk phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực có dư địa tốt hơn, ví dụ như lĩnh vực thương mại dịch vụ và đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Hà chỉ ra.
Nếu đánh giá một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được xếp vào top nhất, nhì khu vực cũng như thế giới, riêng vùng Tây Nguyên đã góp mặt nhiều sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, điều và mắc ca, cao su,… Ngoài ra, do sở hữu nhiều diện tích trồng các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… vùng Tây Nguyên đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung, từ đó đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), vùng Tây Nguyên vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn. Đó là quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ, các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu dẫn đến sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn ở dạng thô, đem lại giá trị không cao cho người dân và các doanh nghiệp.
“Các sản phẩm nông sản chủ lực của vùng Tây Nguyên chất lượng không đồng đều nên dễ vướng nhiều hàng rào thương mại mang tính kỹ thuật. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức khi thiếu nhân lực chất lượng cao, hạ tầng logictics, cơ sở vật chất còn yếu. Đặc biệt, liên kết nội vùng đang thể hiện nhiều điểm yếu, lỏng lẻo do thiếu đầu tư đồng bộ dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng nội vùng”, ông Phú nêu.
Tăng tính liên kết thống nhất giữa các địa phương
Cần có giải pháp để góp phần đưa vùng Tây Nguyên ra khỏi vị trí “vùng trũng” trong phát triển ngoại thương, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới. Theo đề xuất của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, Bộ Công Thương cần phối hợp với chính quyền các tỉnh Tây Nguyên định kỳ hàng năm tổ chức các hội chợ lớn để xúc tiến thương mại.
“Đây sẽ là dịp để DN của vùng có cơ hội quảng bá với các DN trong và ngoài nước, cũng là dịp để trao đổi thông tin với ý nghĩa mang thị trường đến tận tay DN trên địa bàn. Các sản phẩm nông sản của Tây Nguyên cần được đưa lên sàn thương mại điện tử tạo ra chuỗi kết nối cung cầu, từng bước nâng chất lượng hàng hóa mang thương hiệu quốc gia, tăng giá trị trên thị trường quốc tế để tận dụng tốt các FTA đang có của Việt Nam”, ông Nguyên nêu giải pháp.
Để thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng Tây Nguyên so với trung bình cả nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu cần được xây dựng theo một định hướng mới, công thức mới. Vì thế, tỉnh Đắk Lắk mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, giúp cho công tác xúc tiến thương mại của Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên có sự chuyển biến tích cực sau 5 năm tới.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú khẳng định, để vùng Tây Nguyên có sự chuyển mình khởi sắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất - nhập khẩu, các địa phương trong vùng cần liên kết, thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm, từ đó xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác các giá trị sản phẩm tốt nhất.
“Bên cạnh đó các địa phương trong vùng cần quan tâm tới kết cấu hạ tầng thương mại, kết cấu hạ tầng cho xúc tiến thương mại của cả vùng. Cần có cơ chế để xây dựng và hình thành những công ty, tập đoàn chuyên doanh về thương mại đặc biệt để đảm bảo tiêu thụ được các sản phẩm của vùng”, ông Vũ Bá Phú mong muốn.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN