Kiến nghị giảm thuế này đang được nhiều doanh nghiệp và người dân ở TP.HCM mong chờ Quốc hội thông qua.
Doanh nghiệp mong mỏi
Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho rằng, thời gian qua, chính sách giảm 2% thuế VAT đã tác động tích cực, đa chiều tới nền kinh tế, doanh nghiệp cũng như người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế và đời sống người dân vẫn còn khó khăn, nên tiếp tục giảm thuế này. Chính sách này giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.
Trước đó, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) cũng đã có đề xuất Bộ Tài chính và Chính phủ tiếp tục kiến nghị Quốc hội cho gia hạn chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đến hết năm 2024.
“Đề xuất này của Chính phủ đã thể hiện tinh thần tích cực, khẩn trương và trách nhiệm. Nếu tiếp tục giảm VAT đến cuối năm 2024, đây là tín hiệu rất khả quan để kích cho cầu tiêu dùng. Vì chính sách này sẽ tác động trực tiếp người dân và tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Lý Thị Kim Chi nói.
Bà Chi cũng cho rằng, một số ý kiến lo ngại việc kéo dài giảm thuế sẽ tạo gánh nặng lên ngân sách, nhưng thực tế không hoàn toàn như thế. Vì theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% thì ngân sách giảm thu khoảng 25.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, năm 2023 áp dụng chính sách giảm VAT cả năm mà thu ngân sách vẫn vượt 8,1% so với dự toán.
Nên giảm VAT sâu hơn
Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đề xuất, nhà nước nên mạnh dạn giảm thuế VAT sâu hơn trong 6 tháng cuối năm, có thể giảm đến 5%. Nếu thực hiện được điều này, chính sách giảm thuế sẽ tác động đa chiều hơn, quy mô hơn và khả năng phục hồi nền kinh tế sẽ nhanh hơn.
“Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% chỉ giảm nguồn thu trong 6 tháng, không phải là lớn mà chỉ trong ngắn hạn. Chúng ta hy sinh nguồn thu trong ngắn hạn để tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Khi kinh tế phục hồi, phát triển thì không chỉ thu được thuế VAT mà còn các loại thuế khác như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, tạo thêm công ăn việc làm, thu thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế khác liên quan”, ông Nguyễn Văn Được phân tích.
Như vậy, nếu chính sách giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện thì có thể giảm nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, người tiêu dùng tăng sức mua, đồng thời trong dài hạn sẽ tạo thêm nguồn thu các loại thuế khác.
Lệ Hằng/VOV-TPHCM