Vì sao ít người muốn thực hiện gói 120.000 tỷ đồng?

Sau hơn 1 năm, chỉ có gần 650 tỷ đồng trong gói 120.000 tỷ đồng được giải ngân. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, lý giải câu chuyện này

 

Tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023, Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai chương trình khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 năm, chỉ có gần 650 tỷ đồng được giải ngân. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, lý giải câu chuyện này qua trao đổi với phóng viên Báo TNVN.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Thưa PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện nay?

Trước hết chúng ta thấy rằng tỷ lệ giải ngân của gói 120.000 tỷ đồng đến thời điểm hiện tại tương đối thấp. Điều này phản ánh đúng thực trạng về việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cũng như việc cung cấp các sản phẩm nhà ở xã hội ra thị trường đang rất thiếu. Trong thực tế chúng ta biết rằng gói 120.000 tỷ đồng này do bốn ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước lớn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và PTNT (Agribank)  đứng ra cam kết, đưa ra đảm bảo 120.000 tỷ đồng này cho vay với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như cho vay với những người được mua nhà ở xã hội đó với mức ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2 % so với lãi suất hiện hành trên thị trường. Đây là một khoản ưu đãi rất lớn. Nhưng trong thời gian vừa qua, theo phản ánh của các ngân hàng này, dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân không nhiều và việc mà chính quyền địa phương xác nhận dự án đó đủ điều kiện để được vay gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng này trở nên khó khăn. Rồi việc đưa ra các tiêu chí về đối tượng được mua nhà ở xã hội và được vay từ gói 120.000 tỷ đồng này chưa rõ ràng, khá chặt chẽ và khó khăn. Rồi sự phê duyệt của chính quyền địa phương cũng vướng mắc, từ đó việc cho vay, giải ngân của bốn ngân hàng này với gói 120.000 tỷ đồng thấp như vậy.

Ít người muốn thực hiện gói 120.000 tỷ đồng vì còn vướng mắc

Như ông vừa nói thì một trong những nguyên nhân quan trọng là hiện nay khả năng hấp thụ vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách còn thấp?

Đúng như vậy, trong thực tế, ví dụ như thành phố Hà Nội mấy năm vừa qua chỉ có một dự án Trung Văn là nhà ở xã hội mang ra bán, dự án này chỉ có hơn 1.000 căn hộ thì số lượng người được mua cũng không đông. Thêm nữa, việc vay này cần phải được sự xác nhận của chính quyền địa phương là những người này thuộc diện được mua nhà ở xã hội hoặc là được vay gói 120.000 tỷ đồng thì lúc đó ngân hàng mới cho vay được. Nhưng việc này ở các địa phương vẫn còn vướng mắc do thiếu tiêu chí cụ thể, thiếu hướng dẫn đầy đủ, nên tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Trước thực tế đó, theo ông chúng ta có nên chuyển nguồn vốn 120.000 tỷ đồng này sang những lĩnh vực khác hiệu quả hơn không? Theo ông nên chuyển sang lĩnh vực nào?

Thực ra gói 120.000 tỷ đồng này là vốn của 4 ngân hàng lớn (thường được gọi là Big4) thực hiện chủ trương của Chính phủ hỗ trợ cho chương trình xây dựng 1.000.000 căn nhà ở xã hội. Từ đó người ta mới phân ra rằng nếu doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ sẽ được hỗ trợ lãi suất 1,5% nếu đủ điều kiện được vay, còn người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%. Như vậy thì rõ ràng là đây là phần hỗ trợ của các ngân hàng cho mục tiêu phát triển nhà ở xã hội thôi (vì nhà nước không hỗ trợ các ngân hàng phần lãi suất chênh lệch). Nếu chúng ta chuyển sang một lĩnh vực nào đó khác thì sẽ không phù hợp với mục tiêu ban đầu mà 4 ngân hàng này đề ra, đó là chỉ hỗ trợ cho nhà ở xã hội thôi. Thực tế mà nói là các ngân hàng này tự nguyện giảm lãi suất cho vay nghĩa là giảm lợi ích, bởi họ cho vay với một mức lãi suất thấp thì họ cũng phải tính toán bài toàn kinh doanh để bù đắp, đồng thời vẫn phải đảm bảo các điều kiện về thủ tục, về huy động vốn. Như vậy, đây là sự cố gắng của các ngân hàng rồi và mục tiêu của họ là chỉ hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nên chuyển sang một lĩnh vực khác thì rất khó, nếu có thì do quyết định của các ngân hàng này khi Chính phủ cho chủ trương thôi.

Phải có công trình nhà ở xã hội được xây dựng thì dòng vốn mới được khơi thông

Từ thực trạng đó, theo ông để có thể kích thích gói 120.000 tỷ đồng này thực sự hiệu quả như mong muốn thì cần có những giải pháp như thế nào?

Trước hết là chúng ta phải đẩy mạnh giải quyết các hồ sơ, thủ tục, giấy tờ cho các dự án nhà ở xã hội. Trên thực tế, thủ tục, hồ sơ giấy tờ đối với các dự án nhà ở xã hội hiện nay cực kỳ phức tạp, phức tạp hơn hồ sơ để khởi công một dự án nhà ở thương mại.

Thứ hai, các doanh nghiệp, các chủ dự án đã khởi công xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rồi thì chính quyền địa phương phải có xác nhận về thời điểm khởi công cũng như nhu cầu về vốn để từ đó doanh nghiệp có thể đi vay tại các ngân hàng thương mại đã có cam kết tham gia gói 120.000 tỷ đồng. Thứ ba, đối với người đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định thì chính quyền địa phương cũng phải đặt ra các tiêu thức rõ ràng, từ đó có xác nhận thủ tục phù hợp và thống nhất với bên ngân hàng để khi người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mang đơn xin vay có đầy đủ xác nhận của chính quyền địa phương thì ngân hàng cho vay và hỗ trợ lãi suất 2%. Nói cách khác, chính quyền địa phương cần phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ người mua nhà đủ điều kiện có thể vay vốn thuận lợi. Khi mà cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ tiêu chuẩn đều được vay với lãi suất ưu đãi và thủ tục thuận tiện thì gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân một cách nhanh nhất, tốt nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận