Chứng khoán, vàng lập đỉnh sau báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ

Trong phiên giao dịch tương lai hôm nay, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều ở mức cao kỷ lục.

 

Theo công bố đưa ra ngày hôm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tháng 4/2024 tăng 0,3%, thấp hơn so với dự kiến là 0,4%. Trong bối cảnh có sự không chắc chắn về triển vọng lãi suất và các báo cáo kinh tế không đạt kỳ vọng, dữ liệu CPI tại Mỹ đã ngay lập tức có tác động đến thị trường thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ và giá kim loại quý, trong đó có vàng, lập tức tăng mạnh và tăng thêm những kỳ vọng thời điểm thay đổi chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Trong phiên giao dịch tương lai hôm nay, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều ở mức cao kỷ lục. S&P 500 lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 5.300 điểm, tăng 1,17%; chỉ số Nasdaq tăng 1,4% lên mức 16.742,39 điểm và chỉ số Dow Jones tăng gần 0,9% lên mốc 39.908 điểm.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

Theo các chuyên gia, chỉ số tiêu dùng (CPI) ở mức 0,3%, mức thấp hơn dự kiến đã mang lại kỳ vọng về khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong năm nay. Điều này tạo động lực lớn cho thị trường.

Ông Michael Landsberg, Giám đốc đầu tư của công ty Landsberg Bennet Private cho biết: "Thị trường đang phục hồi. Rõ ràng, Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ phù hợp với kỳ vọng và tôi nghĩ đây là lần đầu tiên nó không vượt quá dự đoán. Tôi nghĩ mọi người rất hào hứng với điều đó, có lẽ lạm phát không quá cao như lo ngại và thu nhập vẫn tốt. S&P tăng 5%, Nasdaq tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, sẽ giúp mọi người tin vào sự phục hồi của thị trường".

Theo CME FedWatch Tool, công cụ giúp dự đoán lãi suất của FED, dữ liệu giao dịch hợp đồng tương lai của quỹ Fed cho thấy có 75,3% khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9 tới. Con số này tăng đáng kể so với tỷ lệ 65,1% ghi nhận một ngày trước đó.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, FED chưa chắc đã sớm hạ lãi suất. Dẫn chứng là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm 14/5 cho biết, lạm phát vẫn đang ở mức cao và Fed sẽ phải mất nhiều thời gian hơn nữa trong cuộc chiến này.

Ông Powell cũng khẳng định Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ hạn chế cho đến khi lạm phát giảm đến mức mục tiêu 2%. Việc Chủ tịch Fed không ra tín hiệu về việc hạ lãi suất khiến cho giá kim loại quý, trong đó có vàng tăng cao. Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, giá vàng tăng chạm mốc cao nhất mọi thời đại là 2.491 USD/ounce.

Theo ông Chris Weston - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone, sau ba tháng chịu áp lực về giá cả, chỉ số mới cho thấy thị trường vàng đang sôi động và khả năng sẽ mở biên độ rộng hơn.

“Thị trường vàng đang có sự biến động. Như các bạn thấy đấy, từ giữa tháng 4 đến nay, giá vàng liên tục tăng, biên độ khá linh hoạt. Những yếu tố tạo ra sự tăng trưởng của giá vàng chúng ta nhắc nhiều tới là thay đổi địa chính trị. Song một yếu tố mà tôi cho là khá sát thực tế là những chỉ số từ thị trường Mỹ. Sau báo cáo về chỉ số tiêu dùng ngày 15/5, giá vàng tăng vọt. Cùng với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và thị trường tài chính, giá vàng cũng không nằm ngoại lệ” - ông Chris Weston cho biết thêm.

Ngoài giá vàng, nhiều thị trường khác ảnh hưởng sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng. Ở thị trường nhiên liệu, giá dầu Brent tương lai tăng 39 cent, tương đương 0,47%, lên 83,14 USD/thùng, trong khi dầu thô Trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 42 cent, tương đương 0,53%, lên 79,05 USD. Trên thị trường tiền tệ, đồng yên Nhật có tín hiệu khả quan, đồng euro tăng lên 1,0895 USD, mức cao nhất kể từ ngày 21/3, đồng bảng Anh lần đầu đạt mức 1,27005 USD, cao nhất kể từ ngày 10/4. Trong khi đó, chỉ số USD (dùng đo lường tiền tệ so với yên, euro, bảng Anh...) chạm mức thấp nhất trong 5 tuần qua ở mức 104,07.

Châu Anh/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận