Bộ GTVT trình Quốc hội xem xét chủ trương làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

 

Về sự cần thiết đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch, mạng lưới đường cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014 km.

"Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 2.001 km đường cao tốc, đang xây dựng 1.681 km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805 km; trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025", ông Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch, đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM.

"Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại các Nghị quyết số 23-NQ/TW, số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị đã định hướng đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trước năm 2030”, ông Thắng khẳng định.

Về mục tiêu đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, dự án giúp hình thành tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới.

Việc triển khai đầu tư dự án phù hợp với Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 được Quốc hội thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch khác có liên quan, kế hoạch và chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương.

Đồng thời, khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản... từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị đã thông qua.

Toàn cảnh phiên họp sáng nay của Quốc hội.Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô chuẩn 6 làn xe, tốc độ từ 100-120km/h

Về phạm vi đầu tư, dự án đầu tư khoảng 128,8 km, trong đó: tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km; qua địa phận tỉnh Bình Phước 101 km (bao gồm 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Để phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được thiết kế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, bảo đảm tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100-120 km/h.

Hướng tuyến phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Để đảm bảo kết nối, phát huy hiệu quả khai thác, trong phạm vi dự án dự kiến đầu tư 11 nút giao liên thông, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết nối dân sinh như đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang... nhằm hạn chế tối đa chia cắt cộng đồng, đảm bảo điều kiện đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quá trình thi công và vận hành khai thác.

Về hình thức đầu tư, Bộ trưởng GTVT cho biết, phân chia thành 5 dự án thành phần, trong đó: Dự án thành phần 1 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT); các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công”.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng (ngân sách trung ương 10.536,5 tỷ đồng (1.766,5 tỷ đồng bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 8.770 tỷ đồng bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022); ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng). Vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng.

Chuẩn bị dự án năm 2023 và năm 2024; giải phóng mặt bằng năm 2024 và năm 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án đáp ứng các tiêu chí thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Về phương án tài chính, đối với vốn ngân sách trung ương (NSTW) khoảng 10.536,5 tỷ đồng: có ý kiến cho rằng việc bố trí 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 là không khả thi.

"Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, số vốn Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 chỉ được thực hiện đến ngày 31/1/2026 trong khi dự án dự kiến đến hết năm 2026 mới hoàn thành, do đó, đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án trong năm 2026", ông Thanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đối với vốn ngân sách địa phương khoảng 2.233,5 tỷ đồng, có ý kiến cho rằng, hai địa phương Đắk Nông và Bình Phước hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hằng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, do vậy việc cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương như dự kiến sẽ rất khó khăn, đề nghị phải có giải pháp cụ thể hơn.

"Đối với vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án (chiếm 65% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 1 theo phương thức đối tác công tư), để bảo đảm tính khả thi, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ thống nhất chặt chẽ với nhà đầu tư quan tâm trong việc thu xếp vốn cho dự án, tránh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công', ông Thanh thông tin.

Về kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án, theo ông Thanh có nhiều ý kiến khác nhau liên quan tới vấn đề này.

Có ý kiến đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công tương tự như các dự án quan trọng quốc gia đã và đang triển khai thực hiện.

"Ý kiến khác cho rằng, trường hợp hết ngày 31/1 năm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau mà dự án vẫn chưa hoàn thành thì vẫn được bố trí vốn đầu tư công của giai đoạn sau để thực hiện, vì vậy không cần thiết kiến nghị Quốc hội về cơ chế này.

Tuy nhiên, có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ nhằm bảo đảm Dự án được triển khai liên tục, do thông thường việc bố trí vốn giữa hai giai đoạn mất từ 6-8 tháng nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công hoàn thành dự án theo kế hoạch", ông Thanh cho hay.

Phi Long/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận