Nhìn nhận vai trò thương lái trong tiêu thụ nông sản tại 'vựa lúa' miền Tây

Thương lái cần được xem là đối tác đồng hành với người sản xuất, với DN; cùng chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích để xây dựng lòng tin giữa các bên.

 

Tại ĐBSCL, nguyên liệu cho chế biến nông sản, thủy sản đều là động thực vật tươi sống. Vì thế, với điều kiện khí hậu nóng ẩm, rất dễ hư hỏng, nếu không thu gom, bảo quản, vận chuyển, chế biến kịp thời.

Cùng với đó, trong dây chuyền sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác, tạo nên chuỗi liên kết khép kín từ khâu thu hoạch, thu gom nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Xuất phát từ đặc điểm này mà bao đời nay ngành nông nghiệp và thủy sản ở khu vực này đều gắn liền với “thương lái, hàng xáo”. Thực tế cho thấy thương lái đóng vai trò nhất định trong chuỗi sản xuất nông-lâm-thủy sản.

Một trong những mặt mạnh của lực lượng thương lái là giúp người sản xuất bán được hàng hóa trong những thời điểm khó trao đổi trực tiếp với người mua là doanh nghiệp.

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích trồng lúa gần 147.700ha. Toàn tỉnh có 90 HTX và 479 tổ hợp tác. Trong năm ngoái, sản lượng lúa đạt hơn 2 triệu tấn. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ chỉ chiếm 17% tổng diện tích canh tác, chưa ghi nhận nông dân liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp, chủ yếu thông qua môi giới.

Một trong những mặt mạnh của lực lượng thương lái là giúp người sản xuất bán được hàng hóa trong những thời điểm khó trao đổi trực tiếp với người mua là doanh nghiệp.

Cụ thể, người trồng lúa có 3 kênh liên kết tiêu thụ gồm: Thông qua HTX nông nghiệp (chiếm 5-7%) và môi giới địa phương (90-93%), hai kênh này thông qua thương lái đến doanh nghiệp kinh doanh chế biến lúa gạo để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Kênh thứ 3 là kênh tiêu thụ “trực tiếp” (chiếm 1-2%) đến các doanh nghiệp/cơ sở dịch vụ (sấy, xay xát), nhưng kênh này cũng thông qua thương lái “mua lúa bán gạo” và chỉ tiêu thụ nội địa.

Kỹ sư Võ Quốc Trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, thương lái cung cấp thông tin đến môi giới trung gian về nhu cầu giống lúa, số lượng, thời điểm và giá mua; khảo sát đồng ruộng khi nhận được phản hồi thông tin của môi giới.

Trước thời điểm thu hoạch khoảng 10-15 ngày, thương lái thỏa thuận với nông dân thông qua giới thiệu của môi giới. Xác lập các thỏa thuận cụ thể về giá lúa, ngày thu hoạch, giờ bắt đầu vận hành máy gặt, địa điểm giao nhận, bốc xếp, hình thức thanh toán, các trường hợp phát sinh khách quan kéo dài việc thực hiện thỏa thuận mua bán… và chốt “đặt và nhận cọc” cam kết việc thống nhất thỏa thuận mua bán.

.Tiếp đó, thương lái điều chuyển phương tiện phù hợp đường thủy hay đường bộ đến địa điểm thỏa thuận giao nhận lúa. Giao nhận lúa ngay sau thu hoạch, thanh toán và khấu trừ tiền cọc với nông dân. Đối với sản phẩm lúa có yêu cầu kỹ thuật riêng, thương lái và nông hộ có những thỏa thuận đầu tư ban đầu như ứng trước giống lúa, một phần chi phí vật tư và phương thức định giá thu mua đầu vụ.

Ông Võ Quốc Trung cho rằng: "Thương lái là chiếc cầu nối, là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ hiện nay, nếu không có nhóm thương lái thì 2,1 triệu tấn lúa của Sóc Trăng không biết tiêu thụ vào đâu. Thương lái linh hoạt, nhạy bén, nhanh chóng trong việc định giá và thỏa thuận giá; linh hoạt, hiệu quả trong điều chuyển phương tiện vận tải phù hợp từng điều kiện cụ thể. Không phải xin ý kiến BGĐ hay gì cả; hình thức thanh toán linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của nông dân".

Theo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ĐBSCL bao gồm các nhân tố liên kết trực tiếp và các nhân tố gián tiếp tác động thông qua chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn.... Các nhân tố liên kết trực tiếp gồm nông dân – hợp tác xã – thương lái – doanh nghiệp – nhà phân phối/ tiêu thụ…

Tổng sản lượng lúa mỗi vụ do nông dân sản xuất sẽ được phân phối qua các các kênh tiêu thụ gồm thương lái chiếm hơn 49%, HTX 32%, nhà máy xay xát hơn 12% và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo hơn 6,5%. Trong khi đó, kênh tiêu thụ trực tiếp của HTX gồm doanh nghiệp chiếm gần 61%, nhà máy xay xát hơn 22% và thương lái chiếm hơn 16%.

Có thể thấy, một trong những mặt mạnh của lực lượng thương lái là họ giúp người sản xuất bán được hàng hóa nhưng khó tiếp cận được với người mua (là doanh nghiệp). Ngược lại, họ giúp cho doanh nghiệp muốn mua nguyên liệu để sản xuất nhưng không thể tiếp cận với nông ngư dân do khoảng cách về địa lý, không đủ phương tiện thu gom và không đủ nhân lực thu mua.

Cùng với đó, phương thức mua bán của họ nhanh gọn, đơn giản, trả tiền ngay. Với hộ nghèo nhưng cần mua vật tư, hàng hóa phục vụ đời sống, họ cho vay ngay, kịp thời, có thể trả theo mức thỏa thuận hoặc vay không lãi với điều kiện giá bán nông, thủy sản cho họ thấp hơn… trong khi đó ngân hàng, doanh nghiệp khó đáp ứng được vì còn qua nhiều thủ tục.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng: "Trong chuỗi giá trị ngành hàng này thì vai trò của thương lái là hết sức quan trọng và còn kéo dài trong thời gian tới. Họ chính là sự liên kết, là cầu nối giữa người sản xuất và nơi tiêu thụ hiệu quả".

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Bộ NN và PTNT cho biết, chúng ta hay có góc nhìn không tốt với cụm từ “thương lái”. Bởi trong thực tiễn, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng thương lái ép giá, bể kèo, bỏ cọc khiến nhiều người có cách nhìn theo một chiều hướng không tích cực.

Ông Hải cho rằng, chuỗi lúa gạo ở ĐBSCL dài, có nhiều trung gian. Trong đó, thương lái rất “am hiểu thông tin”. Thực tế tại miền Tây cho thấy doanh nghiệp thích mua lúa qua thương lái vì đỡ căng thẳng hơn về tiền vốn bỏ ra do không phải ứng tiền trước cho nông dân trong thời gian dài (2-3 tháng). Còn nông dân đơn lẻ thích bán cho thương lái vì có ngay “tiền tươi”.

Phương thức mua bán của thương lái với người dân nhanh gọn, đơn giản, trả tiền ngay.

Cùng với đó, điều cần thiết hiện nay theo ông Hải, sẽ có lợi ích nhiều chiều khi đưa thương lái vào chuỗi lúa gạo bền vững. Bởi hiện nay các quy định pháp luật chưa kiểm soát được họ thì kiểm soát bằng cách giới thiệu họ vào chuỗi, đào tạo, tập huấn kiến thức cho họ; hỗ trợ nguồn lực nhất định để lựa chọn ra những thương lái uy tín, loại bỏ bớt những thương lái làm ăn không đàng hoàng. Như vậy vừa tốt cho nông dân, tốt cho doanh nghiệp tốt cho chính bản thân thương lái và về mặt quản lý nhà nước cũng quản lý được.

"Chúng ta thấy qua chuỗi này thì rất cần vai trò thương lái. Doanh nghiệp cũng cần vai trò của HTX , vậy thì cần tăng quy mô về diện tích, thành viên để có sự đồng thuận. Thương lái có điểm mạnh, điểm hay, vì thế các HTX cần có sự kết hợp để làm dịch vụ cho doanh nghiệp. Chúng ta mời được thương lái vào chuỗi thì có nhiều lợi ích. Cần xem thương lái như một đối tác đồng hành với nông dân, doanh nghiệp. Ở đây có thể thấy vai trò của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo có thể tập hợp các thương lái này vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện" - ông Hải nhấn mạnh.

Thương lái cần được xem là đối tác đồng hành với người sản xuất, với doanh nghiệp; cùng nhau chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích để xây dựng lòng tin dựa vào “chữ tín” giữa các bên. Thương lái cần tự tin với vai trò đóng góp chủ động và tích cực hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận