Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội xuất khẩu qua amazon

  • 18/04/2019 02:11:43
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Đã có 100 doanh nghiệp được lựa chọn để xuất khẩu qua Amazon. Sản phẩm của Việt Nam sẽ sớm được đưa lên hệ thống bán hàng trực tuyến của Amazon.

 

 

Tham gia Amazon doanh nghiệp được lợi gì?

Theo Bộ Công Thương, tính đến nay, đã có 100 doanh nghiệp đợt đầu tiên được lựa chọn để có thể đăng ký tài khoản và tập huấn thúc đẩy xuất khẩu qua Amazon. Từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục chọn thêm những doanh nghiệp nữa có đủ năng lực xuất khẩu qua Amazon.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, theo thỏa thuận hợp tác với Amazon, trong năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại sẽ hợp tác và hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam tham gia đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử của Amazon. Cụ thể, chương trình hợp tác bao gồm 3 nội dung gồm: Xúc tiến xuất khẩu toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đồng thời cung cấp những khoá đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp thông qua đơn vị đầu mối triển khai trực tiếp là Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương.

Trong chương trình hợp tác dài hạn với Amazon trong giai đoạn 2019 - 2021, Cục Xúc tiến thương mại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu toàn cầu, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, các sản phẩm của doanh nghiệp trên các kênh bán hàng điện tử cũng như trên môi trường thương mại điện tử toàn cầu của Amazon; đào tạo các doanh nghiệp có thể phát triển xuất khẩu qua Amazon ở quy mô toàn cầu.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào xuất khẩu, vì vậy trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là làm sao duy trì được mức độ tăng trưởng xuất khẩu cao và bền vững. Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu sao cho hiệu quả nhất, giảm tải sức ép nguồn lực. Trong thời gian tới, Amazon sẽ hỗ trợ xây dựng và tăng nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp, cũng như bảo vệ chống nạn hàng nhái hàng giả. Thông qua quá trình đăng ký nhãn hàng với Amazon, Amazon sẽ cung cấp số seri riêng cho mỗi sản phẩm để doanh nghiệp gắn lên sản phẩm nhằm giúp người mua qua các trang điện tử nhận diện và phân biệt hàng thật với hàng giả.

 Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, việc đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Amazon nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu và mở ra cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội tham gia thương mại điện tử toàn cầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới trong thời gian tới.

Doanh nghiệp phải chủ động thích ứng

Theo Bộ Công Thương, hiện tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thị phần xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm được khẳng định. Tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017; xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,85 tỷ USD, tăng 11,8%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%. Song việc, bán hàng trên Amazon sẽ giúp doanh nghiệp Việt tăng thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa của mình.

Doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng thị hiếu người dùng.

Ông Gijae Seong-Giám đốc Phát triển bán hàng toàn cầu, Amazon Global Selling Đông Nam Á và châu Úc cho hay, Amazon có trang thương mại điện tử tại 18 quốc gia, hỗ trợ 27 ngôn ngữ và danh mục hàng hoá hết sức đa dạng. Các doanh nghiệp bán hàng trên Amazon đến từ hơn 130 quốc gia khác nhau. Thông qua chương trình Amazon Global Selling, những người bán thuộc nhiều loại hình và quy mô có thể trực tiếp tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua.

Doanh nghiệp được lợi khá nhiều khi xuất khẩu qua Amazon, điển hình như doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận các thị trường mà Amazon có mặt nhờ vào sự hỗ trợ của Amazon cũng như xu thế phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng hiện nay giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam chưa cao, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng gia công, chưa có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường quốc tế.  Cách thức tiếp cận thị trường với hình thức xúc tiền thương mại qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số còn yếu. Vì thế, để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng thị hiếu và tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng. Cùng đó, doanh nghiệp cần thay đổi căn bản về xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn.

Amazon sẽ hỗ trợ xây dựng và tăng nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp, cũng như bảo vệ chống nạn hàng nhái hàng giả. Thông qua quá trình đăng ký nhãn hàng với Amazon, Amazon sẽ cung cấp số seri riêng cho mỗi sản phẩm để doanh nghiệp gắn lên sản phẩm nhằm giúp người mua qua các trang điện tử nhận diện và phân biệt hàng thật với hàng giả.

Để phát huy được hiệu quả, theo ông Vũ Bá Phú trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu bao gồm tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tư vấn xuất khẩu, kết nối giữa người mua và người bán để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt tập trung vào các thị trường đã có FTAs và thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) để sớm tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này trong năm nay khi các hiệp định có hiệu lực.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận