Cụ thể như tình trạng thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính… vẫn là những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty sản xuất thương mại và cơ điện Phương Linh bày tỏ, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, doanh nghiệp gặp khó về thị trường, cùng với đó là những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thị trường Việt Nam đang ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế của thế giới; bên cạnh đó là liên quan đến chiến tranh giữa Nga- Ukraine, giữa Hamad -Isarel… hiện nay tình trạng giảm phát do cung trên thị trường đang bị bế tắc, nên hầu như tất cả các doanh nghiệp đều rất khó khăn về vấn đề đầu ra. Khó khăn đầu ra như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
Cùng với đó, doanh nghiệp khó khăn về vốn các doanh nghiệp cần vay thì điều kiện cần và đủ để tiếp cận vốn đang là vấn đề khó. Do đó, các tổ chức tín dụng ngân hàng với các doanh nghiệp phải thấu hiểu nhau và sát cánh cùng nhau để đưa ra những giải pháp tốt nhất nhằm giúp doanh nghiệp tồn tại để họ đi qua được giai đoạn khó khăn này.
Theo Tổng Cục thống kê, quý 1 vừa qua, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng so với cùng kỳ. Nhưng vẫn có gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, trong quý 1/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14.100 doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4.700 doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạm ngưng hoạt động lớn hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động; Thực trạng này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế đất nước.
"Các doanh nghiệp của chúng ta vẫn vô cùng khó khăn, những con số về doanh nghiệp đã phải phá sản, giải thể trong thời gian những tháng đầu năm chúng ta thấy được thực trạng này. Việc sụt giảm về số lượng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, điều đó chắc chắn. Điểm thứ hai là không tạo động lực và không tạo được niềm tin, khi sẽ làm cho ý chí khởi nghiệp của cả xã hội sẽ giảm sút. Trong khi đó, tôi cho rằng tinh thần khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới vẫn là động lực để phát triển đất nước" - ông Lộc nhấn mạnh.
Theo nhiều dự báo, thời gian tới tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó; nhu cầu các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm...
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nêu ý kiến, để giúp doanh nghiệp phục hồi, cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bằng cách đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông các đơn hàng; khơi thông các nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ còn chưa hiệu quả. Đồng thời rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà, có các biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tư nhân…
Theo ông Quốc Anh: "Cải thiện vấn đề về các thủ tục hành chính, giảm khó khăn hàng rào về các quy trình cản trở sự gia nhập thị trường. Chúng ta phải tăng cường khâu Maketing, truyền thông để kích thích tiêu dùng; khi chúng ta tăng lực cầu thì chắc chắn sẽ tăng cung. Yếu tố nữa về mặt cung cấp thông tin, cần phải cung cấp thông tin sớm hơn, đặc biệt thông tin về thị trường, về giá, về các quy hoạch, về các chủ trương, chính sách, các giải pháp cụ thể và đi thực thi thì mới được bài bản và hiệu quả trong thời gian tới".
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù hầu hết doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khó chống chọi với những khó khăn hiện nay, nhưng cũng cho thấy cần có sự cải cách và đổi mới để không làm “hao hụt” số lượng và chất lượng của doanh nghiệp. Do đó, cần có những giải pháp hiệu quả trong chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp… Hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số sẽ là những động lực tăng trưởng mới, vì thế việc hướng phát triển của doanh nghiệp đi theo xu thế này là rất cần thiết.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nêu ý kiến: "Đây là câu chuyện thị trường - câu chuyện sống còn của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không đi theo hướng xanh hoá thì không bán được hàng do đòi hỏi từ người tiêu dùng, cũng như do những cam kết tiêu chuẩn các nước và xuất khẩu đặt ra. Song đây là một quá trình chuyển đổi không đơn giản, chi phí chuyển đổi lớn, công nghệ, vốn, kỹ năng… Do đó, vai trò của chính sách, vai trò của Nhà nước là quan trọng, nhằm để hỗ trợ hạ tầng hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu triển khai, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và có cách hỗ trợ vừa thị trường, vừa đúng cam kết để cho doanh nghiệp Việt dần bứt lên được".
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, việc đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới… sẽ tiếp tục đi vào thực chất thời gian tới nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại…
Để qua đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và truyền thống, cũng như lấy lại và tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp mạnh dạn tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường, cơ hội thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư…
Nguyễn Hằng/VOV1