Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố mới đây cho thấy, dù cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh thành phố trong cải thiện môi trường kinh doanh; nhưng trên thực tế vẫn còn những điểm nghẽn cần khắc phục, tạo thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ phản ánh của doanh nghiệp (DN) cho thấy, trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại. Các doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính.
“Doanh nghiệp rất hoang mang trước những Nghị định chồng chéo, song dù cùng với việc ban hành kịp thời của Chính phủ trong giải quyết khó khăn vướng mắc; nhưng các cấp tham mưu hoặc các cấp thực hiện cấp dưới lại quá chậm trễ, rời rạc và đặc biệt là không dám làm, né tránh, đùn đẩy, đấy là một trong những cơn bão ngầm của cải cách hành chính. “Cơn bão ngầm” này làm cho một thể chế, làm cho một nền kinh tế suy thoái, kéo ghì sự phát triển lại”, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá nêu thực tế.
Đồng quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ, qua kết quả điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp trên cả nước, điểm trung bình của chỉ số thành phần tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương năm 2023 có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về việc UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân năm 2023 là 82,1%, trong khi đó năm 2022 là 86%. Đáng lưu ý, 51,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các Sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, tăng so với con số 50,4% của năm 2022. Do đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần xốc lại tinh thần dám nghĩ, dám làm, tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền các cấp trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thời gian tới.
“Khi chúng tôi hỏi về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, kết quả điều tra của doanh nghiệp tư nhân trong nước hay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì con số tương đối thấp, thấp nhất trong 19 năm điều tra. Đây là một thông điệp cho chính quyền địa phương cũng như các bộ, ban, ngành cần phải có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả và thực chất hơn nữa. Chúng tôi cũng mong rằng có nhiều giải pháp để xốc lại tinh thần này làm sao cho tinh thần dám nghĩ dám làm năng động tiên phong bộ máy, doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tạo lập môi trường kinh doanh sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Đây là điều mà doanh nghiệp đang rất trông chờ trong năm 2024 này”, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và tiếp tục phục hồi và phát triển, mới đây ngày 20/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chỉ thị thể hiện quyết tâm của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, trong đó xác định rõ vẫn cần tiếp tục thay đổi tư duy, cải cách thực chất hơn.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tại Chỉ thị 16 có rất nhiều điểm tích cực, đó là lần này Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải kiểm soát cải cách thủ tục hành chính ngay từ khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, chú trọng và nhấn mạnh vào vấn đề cải cách ngay từ khâu xây dựng mới các văn bản. Thủ tướng chỉ đạo rất rõ về trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, xây dựng, quản lý bất động sản… Những nội dung này đều nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế trong điều hành kinh tế - xã hội. Điểm tích cực nữa, là cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục, Chỉ thị nhấn mạnh chỉ ban hành quy định thủ tục hành chính mới khi thực sự cần thiết, đồng thời phải đảm bảo chi phí tuân thủ thấp nhất - Đây là điểm nhấn rất tích cực tại Chỉ thị 16.
“Vấn đề kiểm soát thủ tục hành chính ngay từ khâu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất quan trọng. Có nghĩa là việc cải cách phải thực hiện ngay từ đầu nguồn, tránh tình trạng cứ ban hành văn bản ra, rồi lại phải tổ chức rà soát, cắt giảm, bãi bỏ thì kém hiệu quả hơn rất nhiều. Muốn thực hiện được thì các bộ, ngành cần phải làm một cách thực chất. Hơn nữa, Chính phủ khi thảo luận các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới, được bổ sung thì nên thảo luận thật kỹ về nội dung, trong đó nhấn mạnh đến chất lượng của các báo cáo thẩm tra, thẩm định, tránh trường hợp làm hình thức”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Hơn bao giờ hết cộng đồng doanh nghiệp rất cần được quan tâm trao cơ hội, tạo động lực để yên tâm, vững tin phát triển. Theo đó, các giải pháp cần được tiếp tục tăng cường thực hiện là kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh. Việc tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh mới, các tiêu chuẩn kỹ thuật và làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp, cũng cần đặc biệt chú trọng... Tất cả những giải pháp đó sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển trong thời gian tới./.
Theo VOV.VN