Cùng với khoảng 8 tỷ 250 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đưa vào thực hiện, tạo cơ hội có thêm nhiều nhà máy sản xuất, gia tăng dịch vụ, việc làm.
Cũng trong 5 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hoá đạt kim ngạch hơn 156 tỷ USD và tiếp tục có xuất siêu hơn 8 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số vĩ mô khác. Ở trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2 triệu 580 nghìn tỷ đồng, an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo, người dân được mua sắm thuận lợi với đa dạng các mặt hàng, dịch vụ.
Điểm lại như vậy để thấy tầm quan trọng của ba chân kiềng “đầu tư”, “xuất khẩu”, “tiêu dùng” - các động lực tăng trưởng truyền thống - đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng thời gian qua, và tiếp tục là các động lực tăng trưởng quan trọng trong thời gian tới. Song, để nền kinh tế tăng trưởng bền vững, đã đến lúc cần phải làm mới, khơi thông các động lực tăng trưởng này.
Với đầu tư, nguồn vốn đầu tư công không chỉ tạo ra cơ sở hạ tầng mà còn là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt đầu tư tư nhân, góp phần khơi dậy tiềm năng to lớn trong nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, qua thực tế ở nhiều địa phương vẫn còn không ít thủ tục phức tạp, lòng vòng, cản trở nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án. Mặc dù Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực từ đầu năm 2021, nhưng nhiều quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn chưa được sửa đổi kịp thời khiến cho việc thực hiện gặp khó khăn, số lượng dự án thành công thấp, khối tư nhân còn dè dặt.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - kể cả nguồn vốn thu hút mới và vốn thực hiện liên tục tăng khá trong nhiều năm qua, nhưng nguồn vốn “chất lượng cao” - nghĩa là có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tiêu tốn ít năng lượng và có tính lan toả lại chưa nhiều. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, hàng đầu thế giới về công nghiệp chế biến, chế tạo; Nhiều dự án FDI có sức lan toả và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Song, thực tế rất ít doanh nghiệp của ta có thể hợp tác để làm phụ trợ, hay tham gia vào chuỗi cung ứng của họ!
Sau 5 năm Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị “về thu hút dòng vốn FDI có chất lượng…” được ban hành, đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn lại, để trả lời bằng được câu hỏi này.
Đây có lẽ cũng chính là lời giải cho bài toán xuất khẩu của chúng ta nhiều năm qua, khi nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tới 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng tỷ lệ gia công còn lớn, giá trị gia tăng không nhiều. Chúng ta sẽ phải làm gì khi nhân công giá rẻ không còn là lợi thế, và xu hướng xuất khẩu xanh đang bao trùm cả thế giới?
Từ cuối năm 2023, vấn đề sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và phát triển bền vững đã được nhắc đến khá nhiều. Trong đó, phải kể đến “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM), rồi “Quy định chống phá rừng” (EUDR) của châu Âu - thị trường xuất khẩu chính của hầu hết các mặt hàng công - nông nghiệp chủ lực của chúng ta.
Việt Nam - một thị trường mở cho tăng trưởng xuất khẩu và phát triển dịch vụ, thì tiêu dùng xanh gắn với chuyển đổi số đương nhiên là đòi hỏi tất yếu của thị trường nội địa. Đáp ứng các yêu cầu sản xuất xanh, tiêu dùng văn minh là một yêu cầu thực tiễn.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống theo hướng tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số chính là giải pháp để hiện lực hoá các động lực tăng trưởng mới. Bởi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược!
Nguyên Long/VOV1