Sáng ngày 13/6/2024, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền cấp cơ sở năm 2024.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ khẳng định: Nhân quyền là công tác chung của cả hệ thống chính trị, gắn liền với cấp cơ sở do đó cần sự chung tay, phối hợp của các sở, ban, ngành trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ đề nghị Văn phòng BCĐ Nhân quyền tỉnh Hòa Bình thời gian tới cần chủ động trong công tác tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đối nội và đối ngoại, "phủ xanh" thông tin tích cực về thành tựu bảo đảm quyền con người, đặc biệt tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nâng cao cảnh giác, phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền.
Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền đã quán triệt những vấn đề mới, liên quan tới công tác bảo đảm quyền con người để cán bộ, đảng viên nắm bắt và vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác. Tại Hội nghị T.S Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trình bày chuyên đề về “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” qua đó góp phần định hướng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong thực thi luật tín ngưỡng, tôn giáo góp phần bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng đối với người dân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo về nhân quyền tỉnh Hòa Bình khẳng định: Công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 9,2% và phấn đấu xóa nhà tạm trong năm 2025. Việc nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện. Công tác trợ giúp pháp lý, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho người lao động được chú trọng triển khai. Hoạt động y tế, giáo dục có nhiều bước tiến góp phần nâng cao dân trí, đời sống và sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: công tác tuyên truyền về các thành tựu đảm bảo quyền con người chưa được thường xuyên; công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch còn hạn chế…
PV/VOV.VN